(HNMO) – Trong năm 2012, thị trường thép xây dựng gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản “đóng băng”. Mặt khác, các sản phẩm thép trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với thép nhập khẩu rẻ từ Trung Quốc.
Trước những khó khăn chung, tất cả các công ty sán xuất thép trong hệ thống phải tiết giảm sản xuất, điều chỉnh kế hoạch phù hợp với nhu cầu thị trường. Có những tháng, phần lớn các nhà máy chỉ chạy một nửa công suất. Mặc dù vậy, tất cả các công ty trong hệ thống vẫn cố gắng duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Năm 2012 tổng số lao động bình quân toàn Tổng Công ty Thép là 14.529 người, thu nhập bình quân của người lao động đạt 6.149.000 đồng/người/tháng, giảm 10,7% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Tổng Công ty Thép đạt 42.056 tỷ đồng (giảm 2,9% so với năm 2011); tổng sản lượng phôi thép đạt 1.264.360 tấn (tăng 5,2% so với năm 2011); tiêu thụ phôi thép đạt 260.105 tấn, tăng 35,8% so với cùng kỳ; tổng sản lượng thép cán đạt 2.282.847 tấn, giảm 4,5% so với cùng kỳ… So với toàn Hiệp hội Thép, sản lượng của hệ thống Tổng Công ty Thép đạt 2,28 triệu tấn/ 4,5 triệu tấn; tiêu thụ thép cán đạt 2,3 triệu tấn/4,4 triệu tấn.
Năm 2013, Tổng Công ty Thép Việt Nam nhận định vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, dó đó, cần nỗ lực phấn đấu để có thể giữ vững sản xuất, đảm bảo hiệu quả kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Toàn Tổng công ty phấn đấu năm 2013 sản xuất phôi thép tăng 12% so với năm 2012, sản xuất và tiêu thụ thép cán tăng từ 7,5 đến 9% so với năm 2012, lợi nhuận phấn đấu có lãi…
Để thực hiện được mục tiêu trên, theo Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thép Việt Nam Đặng Thúc Kháng: Tổng Công ty Thép cần tập trung rà soát công tác quản trị doanh nghiệp, sản xuất, tài chính nhằm nâng cao năng lực quản lý của Tổng Công ty. Ngay từ đầu năm phải triển khai ngay các giải pháp cụ thể đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tiết kiệm trong sản xuất. Trong quá trình đó, cũng cần rút ra các bài học, kinh nghiệm nhằm xây dựng chiến lược kinh doanh thích ứng với thị trường…
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong năm 2013 và những năm tiếp theo, về điều hành kinh tế chung cần tiếp tục thực hiện những biện pháp tháo gỡ khó khăn, thực hiện nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ; Đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ bản; những công trình đang dang dở cần tập trung sức để sớm kết thúc đi vào vận hành, góp phần tăng năng lực mới cho những năm sau (đặc biệt là những công trình luyện cán thép). Với riêng Tổng công ty, để tăng năng lực cạnh tranh của toàn hệ thống, các đơn vị trong toàn Tổng Công ty cần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; quyết liệt áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Hơn nữa, Tổng Công ty cần củng cố, phát triển hệ thống phân phối để mở rộng thị trường, tránh các hiện tượng đầu cơ tăng giá, dư thừa giả; Cần phải chú trọng đến việc bảo hộ một các hợp pháp và chính đáng các sản phẩm thép trong nước trước sự tấn công mạnh mẽ từ bên ngoài. Đối với việc tái cơ cấu doanh nghiệp, Tổng Công ty Thép cần thực hiện đầy đủ theo lộ trình trong đề án đã báo cáo.
Mặt khác, Bộ trưởng yêu cầu là một thành viên lớn của Hiệp hội Thép Việt Nam, Tổng Công ty Thép cần tăng cường vai trò của mình trong hoạt động của Hiệp hội góp phần điều tiết thị trường. Trong thời gian tới, cần tập trung để sớm hoàn thành giai đoạn II của Công ty Gang Thép Thái Nguyên.
Những thông tin trên được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2012 và triển khai phương hướng năm 2013 của Tổng Công ty Thép mới được tổ chức tại Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.