(HNM) - Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND TP Hà Nội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chiều ngày 16-8, những tồn tại cũng như kết quả trong phát triển KT-XH của Thủ đô từ đầu năm đến nay đã được trao đổi cởi mở và thẳng thắn. Trong định hướng phát triển KT-XH năm 2013 được lãnh đạo UBND TP Hà Nội trình bày tại buổi làm việc, một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn đã được xác định, tuy nhiên rất cần sự ủng hộ tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Lắp ráp xe đạp xuất khẩu tại Công ty xe máy, xe đạp Thống nhất. Ảnh: Huyền Linh |
Những kết quả đáng ghi nhận
Hà Nội bước vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2012 trong điều kiện bất lợi hơn so với năm trước, như: tình trạng lãi suất cho vay tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao, doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận nguồn vốn, sản phẩm tồn đọng nhiều, thị trường bất ổn định… Tuy nhiên, nhờ sự tập trung hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, nỗ lực của cộng đồng DN, Hà Nội đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận. GDP (6 tháng) tăng 7,6% - là mức khả dĩ; mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tăng hơn 21%; tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn 7 tháng đầu năm tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, thu ngân sách đạt 55% dự toán cả năm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 chỉ tăng 2,27% so với tháng 12-2011, cho thấy lạm phát được kiềm chế thị trường bình ổn. Dự kiến, năm 2012 GDP Hà Nội sẽ tăng 8,5-9%. Mặc dù vậy nền kinh tế Thủ đô cũng bộc lộ những hạn chế như tình trạng suy giảm nguồn vốn đầu tư nước ngoài, số DN mới đăng ký kinh doanh giảm trong khi số DN ngừng sản xuất tăng hơn so với cùng kỳ.
Hướng tới mục tiêu cao hơn trong năm 2013
Năm 2013, Hà Nội chủ trương hướng tới mục tiêu phát triển KT-XH cao hơn năm 2012. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 10-10,5%, trong đó dịch vụ tăng 10,5-11%, công nghiệp - xây dựng tăng 10-10,5%, nông nghiệp tăng 2-2,5%; kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 15%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 18,5-19,5%; thu ngân sách tăng 14-16% đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống mức 1,5%; duy trì tỷ lệ dân được sử dụng nước sạch là 100%...
Thành phố sẽ triển khai một số giải pháp thiết thực và đồng bộ. Đó là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho DN. Tăng cường hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng và lợi thế với hàm lượng trí tuệ cao, nâng cao hiệu quả kinh tế trên mỗi héc ta đất nông nghiệp.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ giải quyết hỗ trợ vốn đầu tư các dự án hạ tầng, trong đó cần 1.050 tỷ đồng để xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) và cải tạo nâng cấp quốc lộ 1A; 1.176 tỷ đồng phục vụ xây dựng khu tái định cư thuộc các dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên và Hà Nội - Hải Phòng. Bố trí vốn để thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực chống tác hại biến đổi khí hậu, củng cố đê kè. Bộ KH-ĐT cần tham mưu cho Chính phủ tiếp tục mở rộng phân cấp cho địa phương để tăng cường khả năng tự chủ về tài chính, đất đai, nguồn nhân lực; ban hành chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, Bộ sẽ luôn đồng hành với thành phố, trên tinh thần hợp tác, hướng tới mục tiêu thiết thực, kịp thời và hiệu quả. Thời gian tới, hai bên tập trung giải quyết những vướng mắc về cơ chế quản lý, nhất là đối với những dự án lớn, trong đó có thể sẽ nghiên cứu khả năng áp dụng một số biện pháp thí điểm, có tính chất đặc thù để tạo sự bứt phá. Bộ trưởng cũng gợi ý hai bên thành lập tổ công tác chung để thu thập phân tích thông tin và đề xuất ý kiến giải quyết các vấn đề nảy sinh.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, Hà Nội sẽ tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành và thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở phát huy và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Thành phố tăng cường hỗ trợ DN, tập trung nguồn lực và trí tuệ, ý chí với tinh thần quyết liệt nhằm nâng cao mức tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Lãnh đạo thành phố luôn ý thức rõ về trách nhiệm của Hà Nội với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, khu vực phía Bắc và với nền kinh tế cả nước. Hà Nội sẽ nỗ lực hơn, chú trọng huy động thêm nhiều vốn, nhất là vốn trong dân để phát triển sản xuất, giữ vững thành tích về nguồn thu và xuất khẩu bên cạnh việc bình ổn thị trường nội địa. Tận dụng tốt hơn thế mạnh về chất lượng nguồn nhân lực, bản sắc Hà Nội, hướng mạnh vào những ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao kết hợp hài hòa với yêu cầu tái cấu trúc kinh tế…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.