(HNM) - Năm 2012, theo Ngân hàng HSBC, giới đầu tư vẫn có thể thu được lợi nhuận nếu đầu tư vào trái phiếu của các DN mới nổi và trái phiếu chính phủ của các thị trường mới nổi, lĩnh vực nguyên, vật liệu chọn lọc (kể cả từ khai khoáng lẫn nông sản), thông qua hàng hóa hay cổ phiếu...
Đại diện Ngân hàng HSBC, ông Philip Poole, Giám đốc Toàn cầu Chiến lược vĩ mô và đầu tư cho biết, ngân hàng này bị thu hút bởi những lĩnh vực có nhiều biến động theo sức khỏe của nền kinh tế tại các thị trường mới nổi, cụ thể là công nghiệp, nguyên vật liệu, tài chính và năng lượng. Bởi, khi mối lo lạm phát lùi xa, nhiều ngân hàng trung ương tại Trung Quốc, Brazil, Indonesia và Thái Lan đã cắt giảm lãi suất (hoặc tỷ lệ dự trữ) để kích thích tăng trưởng. Trong khi tại nhiều nước phương Tây, lãi suất đã gần bằng không và nợ công còn nghiêm trọng, một số quốc gia mới nổi vẫn có thể giảm lãi suất, tài trợ cho các dự án phát triển thông qua việc bán trái phiếu. Dự báo tăng trưởng ở các thị trường mới nổi sẽ ngày càng được thúc đẩy bởi tiêu dùng nội địa và đô thị hóa. Không chỉ có DN cung cấp hàng hóa và dịch vụ sẽ được hưởng lợi mà những nhà cung cấp nguyên vật liệu, DN bán hàng cũng sẽ kinh doanh khả quan.
Năm 2011, sự tự tin của nhà đầu tư bị sụt giảm khi khủng hoảng nợ ở Châu Âu leo thang và tranh cãi của các chính khách Mỹ xung quanh những kiến nghị về thâm hụt vẫn căng thẳng. Khu vực đồng tiền chung Châu Âu đang trong cuộc khủng hoảng và có lẽ phải mất thêm một vài năm nữa để khu vực này khắc phục. Mỹ có vẻ khả quan hơn nhưng tổng nợ Chính phủ tiếp tục gia tăng, dự báo căng thẳng sẽ tiếp diễn trong cuộc đua bầu cử Tổng thống và Quốc hội. Đối với Châu Á, tăng trưởng sẽ chậm lại nhưng không có nghĩa là không tăng trưởng. Ngân hàng HSBC dự báo tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2012 cho Trung Quốc là 8,6%, Ấn Độ là 7,5%. Một vài công ty Châu Á có kết quả kinh doanh khả quan đang bị định giá thấp, do đó cổ phiếu của những công ty này có tiềm năng sẽ tăng trong thời điểm trung và dài hạn. Rút kinh nghiệm từ việc bị thắt chặt tín dụng gần đây, nhiều DN ở Châu Á, cũng như các nơi khác đã dự trữ tiền mặt, điều chỉnh bảng cân đối kế toán của mình như một biện pháp phòng vệ ưu tiên. Nếu như khủng hoảng ở Khu vực đồng tiền chung Châu Âu leo thang và các ngân hàng Châu Âu tiếp tục thắt chặt cho vay, các DN này chuẩn bị tốt hơn thông qua việc tự tài trợ từ những nguồn vốn nội bộ so với trong giai đoạn đen tối ngay sau năm 2008 trước đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.