(HNM) - Năm 2012, ngành giao thông - vận tải TP đặt ra chỉ tiêu tăng thêm một triệu mét vuông đường. Trong năm 2012, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành này là gần 47.000 tỷ đồng, dự kiến vốn đầu tư hơn 41.000 tỷ, gấp đôi vốn đầu tư của năm 2011.
Để hoàn thành mục tiêu này, hàng loạt công trình giao thông sẽ được khởi công trong thời gian tới. Một trong những công trình lớn của TP là cầu Sài Gòn 2 đã được lên kế hoạch khởi công xây dựng trong tháng 4 tới, do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII) làm chủ đầu tư, sẽ được xây dựng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Theo thiết kế, cầu mới có kiểu dáng giống cầu Sài Gòn hiện hữu và cách khoảng 3m về phía hạ lưu, không giới hạn tải trọng, dài 995m, rộng 23,5m cho 4 làn xe cơ giới và thô sơ lưu thông. Cầu Sài Gòn 2 được xây dựng để giảm áp lực cho cầu Sài Gòn xây dựng từ năm 1961, hiện đang xuống cấp nhưng hằng ngày vẫn phải "gánh" hơn 40.000 lượt ô tô qua cầu, chưa kể xe máy. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành sau 22 tháng thi công.
Trong năm nay, tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro Bến Thành - Suối Tiên) cũng sẽ khởi công hạng mục chính. Thực tế dự án này đã được khởi công hạng mục xây dựng từ năm 2008 (xây dựng tường rào bảo vệ và san lấp mặt bằng depot Long Bình, quận 9). Các hạng mục chính dự kiến xây dựng trong năm 2009 nhưng vướng giải phóng mặt bằng nên đến năm nay mới tiếp tục triển khai. Theo ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT, dự án đã cơ bản hoàn thành GPMB trên địa bàn quận 9 (phần depot và đường dẫn), quận Bình Thạnh và quận 1. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật cũng đã hoàn tất phần cơ bản. Tuyến metro này khi đi vào hoạt động trong giai đoạn 2014-2020 sẽ chuyên chở khoảng 162.000 lượt người/ngày, vào năm 2030 sẽ nâng lên khoảng 635.000 lượt người/ngày, năm 2040 sẽ là 800.000 lượt người/ngày.
Cầu Thủ Thiêm 2 kết nối khu đô thị hiện hữu và Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai cũng dự kiến khởi công trong năm nay. Cầu nằm trên trục đường Tôn Đức Thắng, dài 1,2km, có quy mô 4 làn xe, tổng vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng. Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng sẽ được khởi động bằng 4 tuyến đường chính là đại lộ vòng cung, đường ven hồ trung tâm, đường ven sông Sài Gòn và đường trên cao qua khu lâm viên sinh thái phía nam. Dự án do Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) làm chủ đầu tư theo hình thức BT. Tổng vốn đầu tư 4 tuyến đường này ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng. Dự kiến tháng 7 sẽ khởi công xây dựng và hoàn thành năm 2015.
Nhiều công trình trọng điểm khác cũng được triển khai trong năm 2012. Ở cửa ngõ phía đông TP là nút giao thông ngã tư Thủ Đức được mở rộng 34m; cửa ngõ hướng Đông - Bắc là đường song hành Hà Huy Giáp; cửa ngõ phía tây là cầu Bình Tiên nối dài; đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, đường vành đai phía đông đoạn từ liên tỉnh lộ 25B đến cầu Rạch Chiếc, tỉnh lộ 10…
Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, trong năm 2012, TP sẽ cố gắng tăng thêm một triệu mét vuông đường và mật độ đường giao thông đạt 1,816km/km2 để giảm tải áp lực giao thông cho TP. Tuy nhiên, trong năm 2012, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nên chắc chắn sẽ gặp khó khăn về vốn, vì vậy, Sở GTVT sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư bằng các hình thức PPP, BOT, BTO, BT nhằm hỗ trợ ngân sách còn hạn chế; bên cạnh đó là ưu tiên và tập trung đủ vốn cho các dự án trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Riêng đối với công tác giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư luôn là nguyên nhân lớn gây chậm trễ công trình, Sở đã kiến nghị UBND TP ưu tiên ngân sách để hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm; đồng thời chỉ đạo quyết liệt công tác này đối với các dự án công trình giao thông, quy trách nhiệm các bên liên quan trong trường hợp chậm tiến độ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.