(HNM) - Ông Phạm Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử - VAEA (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết như vậy tại hội thảo "Thông tin, truyền thông về phát triển điện hạt nhân (ĐHN) ở Việt Nam" do VAEA tổ chức ngày 2-8, tại Hà Nội.
Để chuẩn bị nhân lực cho việc vận hành Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 trong tương lai, Tập đoàn ROSATOM sẽ có trách nhiệm đào tạo kỹ sư, chuyên gia về ĐHN cho Việt Nam. Các năm 2010, 2011, nước ta đã cử 99 sinh viên sang học ở Nga theo các chuyên ngành liên quan đến năng lượng nguyên tử và con số này của năm 2012 là 70 người. Ngoài ra, một số quốc gia, tổ chức quốc tế khác như Hungary, Nhật Bản, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)... cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo nhân lực về ĐHN.
Theo ông Phạm Quang Trung, Việt Nam sẽ dành 3.000 tỷ đồng, trong đó sử dụng từ ngân sách là 2.000 tỷ đồng cho đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử". Có 6 đơn vị được giao nhiệm vụ này, gồm hai trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Điện lực, ĐH Đà Lạt và Trung tâm Đào tạo hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.