(HNM) - PGS-TS Tạ Đức Thịnh (Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường, Bộ GD-ĐT) cho biết, năm 2011, kinh phí sự nghiệp KHCN của Bộ này là 225 tỷ đồng trên tổng số gần 25.000 giảng viên, cán bộ nghiên cứu.
Như vậy, tính bình quân thì chỉ đạt 9 triệu đồng/người, một mức đầu tư quá thấp. Ông Thịnh cho rằng, đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KHCN là việc cần làm ngay. Trước hết, việc phân bổ ngân sách cho hoạt động KHCN cần dựa trên các tiêu chí rõ ràng. Đối với các chương trình trọng điểm quốc gia, sau khi đã thẩm định kỹ lưỡng phải phân bổ kinh phí đầy đủ, đúng tiến độ. Các hoạt động KHCN của các bộ, ngành, địa phương cần dựa vào các tiêu chí như kết quả, hiệu quả hoạt động KHCN, tiềm lực KHCN để phân bổ kinh phí... Chẳng hạn, đối với Bộ GD-ĐT, hoạt động KHCN có những đặc điểm rất riêng biệt là hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, có nhiệm vụ gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và tăng cường tiềm lực KHCN cho đất nước thì phải có cách ứng xử riêng, phương thức phân bổ kinh phí riêng... "Chúng tôi đã đề xuất ngay từ năm 2012 xây dựng một số chương trình KHCN trọng điểm giao cho các trường ĐH có thế mạnh triển khai, gắn với nhiệm vụ đào tạo tiến sỹ, đồng thời giao cho các giáo sư đầu ngành tổ chức các nhóm nghiên cứu mạnh để thực hiện theo chuẩn quốc tế" - ông Thịnh nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.