(HNM) - Ngày 24-11, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XV đã họp Hội nghị lần thứ hai để đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011. Các đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Tưởng Phi Chiến, Phó Bí thư Thành ủy đồng chủ trì hội nghị.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Nguyệt Ánh |
"Nóng" chuyện cải cách hành chính và phân cấp quản lý
Hội nghị thật sự sôi nổi với các ý kiến thảo luận, trao đổi đánh giá về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của Thủ đô năm 2010 và bàn về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2011. Nhất trí cao với báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND TP, các ý kiến đề nghị TP cần có những đánh giá kỹ hơn về bài học thành công, kinh nghiệm trong tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và Đại hội Đảng bộ các cấp. Để thành phố thực sự có bước phát triển vững chắc vào năm 2011, ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, các ý kiến tại hội nghị yêu cầu TP cần lựa chọn các khâu trọng điểm, nhiệm vụ trọng tâm của từng lĩnh vực cụ thể, tạo điều kiện cho các sở, ngành dễ thực thi khi triển khai nghị quyết. Đặc biệt là trong lĩnh vực cải cách hành chính và phân cấp quản lý. Dẫn ra ví dụ Trạm Y tế xã Khánh Thượng cách xa trung tâm Thủ đô đến hơn 70 km nhưng vẫn thuộc sự quản lý của Sở Y tế nên chính quyền sở tại gặp không ít khó khăn trong khâu quản lý, Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hoàng Thanh Vân đề nghị TP cần nghiên cứu phân cấp trong quản lý một số lĩnh vực như y tế, khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật cho địa phương theo hướng sát với thực tiễn, gắn với cơ sở để việc triển khai thực hiện phù hợp tình hình và đạt kết quả cao nhất trong phục vụ người dân. Đồng thời, có tổng kết, đánh giá sau một thời gian thực hiện. Đồng tình với kiến nghị trên, Bí thư Quận ủy Long Biên Vũ Đức Bảo đề xuất để tháo gỡ khó khăn cho cơ sở khi tiến hành phân cấp cần sát với thực tế địa phương, tạo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tạo nguồn lực cho cơ sở. Còn Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Ngọc Thạch lại cho rằng, mục đích cao nhất của phân cấp là đạt hiệu quả công việc, vì lợi ích chung của TP và địa phương do vậy không nên lấn cấn lợi ích riêng của từng đơn vị. Như việc thi tuyển viên chức, TP đã giao cho quận, huyện chủ trì, tổ chức thi tuyển nhưng TP mới là đơn vị ra quyết định trúng tuyển.
Tại hội nghị lần này, những vấn đề liên quan tới cải cách hành chính cũng là mối quan tâm của không ít đại biểu. Bức xúc trước thực tế dự án xây dựng bệnh viện có tổng giá trị 200 triệu USD, đã được giải phóng mặt bằng từ cách đây hơn hai năm nhưng vẫn chưa thể khởi công vì "tắc" ở rất nhiều thủ tục nhiêu khê mặc dù UBND TP đã có văn bản kết luận đủ điều kiện, Bí thư Quận ủy Hà Đông Lê Hồng Thăng đề nghị trong cải cách thủ tục hành chính cần đặt vấn đề trách nhiệm cá nhân lên hàng đầu. Đồng chí cũng cho biết, trong các chương trình, đề án nhiệm kỳ 2010-2015, Hà Đông đã đưa ra quy định nếu hai năm các đồng chí phó chủ tịch nhận nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo mà không có sự chuyển biến từ cơ sở thì điều chuyển sang công tác khác. Còn đồng chí Vũ Đức Bảo lại hiến kế năm 2011, TP cần ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực cải cách hành chính và nên coi đây là một khâu đột phá nhằm bảo đảm sự công khai, minh bạch. Thống nhất với quan điểm trên, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Trần Huy Sáng đề nghị muốn xây dựng chính phủ điện tử thành công thì TP cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực, đặc biệt là cải cách hành chính. Lập đề án tích hợp dữ liệu để làm cơ sở quản lý cho chính quyền các cấp. Hiện nay, Tây Hồ đã áp dụng việc lưu giữ bằng hình ảnh trong quản lý những mảnh đất xen kẹt, đất lưu không.
Lắp ráp máy tính CMS tại Công ty Điện tử Hanel. Ảnh: Minh Hoàng |
Năm 2011, bố trí đủ cán bộ, công chức tại bộ phận "một cửa"
Trao đổi về vấn đề phân cấp quản lý, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết không phải TP ôm đồm mà có nhiều việc chưa thể phân cấp, phân quyền cho cơ sở vì vướng rất nhiều quy định của TƯ, bộ, ngành liên quan. Còn trong lĩnh vực cải cách hành chính, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết qua kiểm tra, giám sát tại quận, huyện cho thấy việc công khai thủ tục hành chính và thái độ phục vụ của công chức là hai khâu còn nhiều hạn chế hiện nay. Tất cả các bộ thủ tục gồm 294 thủ tục khối quận, huyện và 155 tài liệu khối xã TP đã quy định phải công khai tại bộ phận "một cửa" nhưng việc thực hiện của các đơn vị rất thấp nên người dân không biết quy trình, mất nhiều thời gian đi lại. Đồng chí cũng chỉ ra một thực tế hiện nay có tới trên 60% cán bộ làm tại phòng một cửa của các quận, huyện là cán bộ hợp đồng nên không ít trong số đó thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Để khắc phục, TP yêu cầu năm 2011 cần bố trí đủ cán bộ là công chức, viên chức làm việc tại bộ phận này.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết đã có nhiều việc TP phân cấp quản lý cho cơ sở như vỉa hè hay đèn điện chiếu sáng công cộng, nhưng sau một thời gian đã nảy sinh bất cập như vỉa hè do quận quản lý, lòng đường lại thuộc Sở Giao thông vận tải hay cây xanh lại do Công ty Môi trường đô thị quản lý... TP tán thành với kiến nghị phân cấp, phân quyền để tạo sự chủ động cho cơ sở song cũng cần xem xét tính khả thi trong thực hiện. Còn về cải cách hành chính, trước hết cần thực hiện ngay từ cơ sở và cần đặc biệt chú trọng tới trách nhiệm cán bộ công chức.
Ngoài ra, các ý kiến tại hội nghị còn đề xuất TP trong phát triển nên chú trọng yếu tố bền vững, không chạy theo số lượng và cần cân nhắc chỉ tiêu GDP tăng 12-13% trong năm 2011 vì khó thực hiện. Đề xuất TP có hướng dẫn, chỉ đạo để tạo nguồn lực tại chỗ và huy động nguồn lực xã hội trong xây dựng nông thôn mới, tăng chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là khu vực nông thôn...
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã nêu lên 5 nhiệm vụ trọng tâm của TP trong thời gian tới và nhấn mạnh nhiệm vụ năm 2011 và những năm tiếp theo là hết sức nặng nề, đòi hòi toàn Đảng bộ và nhân dân Thủ đô cần nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, đoàn kết, năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo để tổ chức thực hiện và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch của năm và Nghị quyết Đại hội lần thứ XV của Đảng bộ TP... (toàn văn bài phát biểu đăng trong số báo này).
Hội nghị cũng đã nhất trí biểu quyết thông qua Nghị quyết hội nghị lần thứ hai BCH Đảng bộ TP và giao Ban cán sự Đảng UBND TP bổ sung, hoàn thiện báo cáo để trình kỳ họp 22 HĐND TP.
Kinh tế nhanh chóng phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá cao Theo báo cáo của UBND TP, năm 2010, cùng với sự phục hồi của kinh tế cả nước, kinh tế Thủ đô đã nhanh chóng phục hồi và đạt tăng trưởng khá. Tốc độ sản phẩm nội địa GDP ước tăng 11% so với năm 2009, cao hơn chỉ tiêu HĐND TP đề ra và gấp 1,64 lần mức tăng chung của cả nước. Dịch vụ tăng 11%, công nghiệp - xây dựng tăng 11,5%, nông nghiệp tăng 6,2%. Giá trị công nghiệp tăng 11,4%, xây dựng tăng 12,2%. Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, khách du lịch đến Hà Nội đạt 8,8 triệu lượt, tăng 14% trong đó khách quốc tế đạt 1,2 triệu lượt người, tăng 20,5% so với năm 2009. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 97.428 tỷ đồng, tăng 13% so với dự toán Chính phủ giao, tăng 9,8% so với dự toán HĐND TP và tăng 31,2% so với năm 2009. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước tăng 20,8%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 11,2% so với năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 1,8% so với tháng 10; 9,8% so với tháng 12-2009, (dự kiến chỉ số giá tiêu dùng trung bình năm 2010 sẽ vượt 10%). Năm 2010, an sinh và phúc lợi xã hội được bảo đảm tốt hơn, đã có 22.500 hộ thoát nghèo, đạt 100% kế hoạch; tạo 135.800 việc làm mới, vượt 6% chỉ tiêu HĐND giao. Tổ chức thành công Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đảng bộ các cấp. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu đô thị, nông thôn, quản lý đô thị, môi trường tiếp tục được tăng cường. An ninh chính trị, TTATXH được giữ vững, quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố; hoạt động đối ngoại đạt kết quả quan trọng, vị thế Thủ đô được nâng cao. Công tác lãnh đạo, điều hành của TP tiếp tục được chú trọng, cải cách hành chính đạt kết quả thiết thực; công tác phòng, chống tham nhũng đạt kết quả bước đầu. Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2011 Tốc độ tăng trưởng GDP: 12-13%; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu: 14%; tổng vốn đầu tư xã hội tăng: 19-20%; thu ngân sách tăng: 5% ; số xã, phường đạt chuẩn y tế tăng thêm: 16 đơn vị; trường đạt chuẩn quốc gia: tăng thêm 80 trường; tỷ lệ lao động qua đào tạo: tăng 4-5%; số lao động được tạo việc làm mới: 137.000 người; giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,8%. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.