Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ tung gói cứu trợ kỷ lục 1.900 tỷ USD: Kỳ vọng vào bước đột phá

Nguyễn Thúc| 14/03/2021 08:01

(HNM) - Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký ban hành đạo luật “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” bao gồm gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD (bắt đầu được giải ngân từ ngày 12-3). Việc tung ra gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ được xem là thành tựu quan trọng trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Sự kiện này cũng được kỳ vọng tạo ra bước đột phá cho nền kinh tế của xứ Cờ hoa nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris tại lễ ký ban hành đạo luật “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ”.

Gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD là ưu tiên đầu tiên và cấp bách của Tổng thống J.Biden kể từ khi nhậm chức vào tháng 1-2021 trong nỗ lực "xây dựng lại sức mạnh của đất nước". Việc ký ban hành đạo luật trên sớm hơn một ngày so với dự kiến bởi trước đó dự luật đã được Hạ viện Mỹ thông qua. 

Gói cứu trợ mới hiện thực hóa quan điểm của Tổng thống J.Biden và đảng Dân chủ rằng chính quyền liên bang cần tăng chi để hỗ trợ người dân, giải quyết gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình, qua đó vực dậy nền kinh tế đang đình trệ. Với mục tiêu này, gói cứu trợ dành tới 400 tỷ USD để chi trực tiếp 1.400 USD/người cho khoảng 85% dân số Mỹ (trừ những người có thu nhập hằng năm trên 75.000 USD).

Đây là động thái nối dài hai đợt hỗ trợ tiền mặt 600 USD/người và 1.200 USD/người trước đó. Ngoài ra, trợ cấp thất nghiệp đến hết ngày 6-9-2021 dành cho 9,5 triệu người Mỹ cũng sẽ được cộng thêm 300 USD/tuần. Đây là mức giảm so với dự kiến 400 USD/ tuần, bởi đảng Dân chủ mong muốn dự luật được Thượng viện thông qua sớm trước khi các khoản trợ cấp thất nghiệp hiện tại hết hạn vào ngày 15-3. Gói cứu trợ cũng dành khoảng 350 tỷ USD chi cho các chính quyền bang và địa phương để bù đắp khoản thâm hụt ngân sách.

Quan trọng hơn, khoảng 14 tỷ USD trong gói cứu trợ này sẽ được chi cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, phân phối, quản lý vắc xin phòng Covid-19. Đây là điều cần thiết trong bối cảnh Washington đang tăng cường các nỗ lực tiêm chủng trên toàn quốc. Tới nay, hơn 95,7 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 đã được tiêm cho người dân trên toàn nước Mỹ.

Giới phân tích nhận định, gói cứu trợ mới được đưa ra đúng thời điểm, trong bối cảnh đã có hơn 529.400 người Mỹ tử vong vì dịch Covid-19. Gói cứu trợ được kỳ vọng sẽ giúp các gia đình có động lực vượt qua khó khăn. Các doanh nghiệp nhỏ tại nền kinh tế số một thế giới sẽ có cơ hội để phục hồi và tăng trưởng. Gói cứu trợ cũng được đánh giá là "đòn quyết định" trong nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 tại Mỹ. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn quan ngại khi những ảnh hưởng của gói cứu trợ lần này đối với thị trường tiêu dùng và người lao động Mỹ chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, theo Cục Quản lý hành chính và ngân sách Mỹ (OMB), Chính phủ Mỹ sẽ buộc phải cắt giảm nhiều khoản chi khác, đồng thời điều chỉnh các chính sách tài chính để đáp ứng tiền cho gói cứu trợ khổng lồ.

Giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) Phillip Swagel nhận định, gói cứu trợ có thể đẩy thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ lên 1.900 tỷ USD trong một thập kỷ tới. Điều này đồng nghĩa nguồn tài trợ cho chương trình bảo hiểm sức khỏe quốc gia (Medicare) sẽ giảm 4%, tương đương 36 tỷ USD, từ năm 2022. Ngoài ra, khoảng 345 tỷ USD sẽ bị cắt giảm từ nhiều khoản chi bắt buộc của Chính phủ liên bang, dẫn tới giảm chi đối với các chương trình: Hỗ trợ sinh viên, hỗ trợ nhà ở, giảm thuế, bảo vệ nhà đầu tư, hỗ trợ thất nghiệp...

Dẫu còn nhiều vấn đề đặt ra nhưng với khảo sát của Hãng thông tấn Bloomberg cho thấy tốc độ tăng trưởng thường niên của Mỹ trong quý I-2021 có thể đạt 4,8%. Như vậy, gói cứu trợ lần này hoàn toàn có thể tạo ra bước đột phá quan trọng, đem lại diện mạo mới cho nền kinh tế Mỹ. Điều này cũng mở ra hy vọng tươi sáng hơn đối với kinh tế toàn cầu, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ tung gói cứu trợ kỷ lục 1.900 tỷ USD: Kỳ vọng vào bước đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.