Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ - Triều Tiên: Bước vào chu kỳ căng thẳng mới!?

Thùy Dương| 23/12/2014 06:23

(HNM) - Mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington vốn đã không tốt đẹp lại rơi vào một chu kỳ căng thẳng mới khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) chính thức đưa ra kết luận điều tra khẳng định CHDCND Triều Tiên đã đứng sau vụ tấn công mạng vào Công ty Sony Pictures Entertainment (SPE).

Theo FBI, các công cụ và cơ sở hạ tầng được sử dụng trong cuộc tấn công này tương tự như các hoạt động trước đó của Triều Tiên. FBI cáo buộc tin tặc, được cho là có nguồn gốc từ Triều Tiên, đã tổ chức tấn công có chủ đích nhằm vào SPE để buộc hãng phim hủy việc phát hành bộ phim "The Interview" với nội dung mô tả một âm mưu giả định ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Các tin tặc đã gửi thư đe dọa, yêu cầu Sony dừng phát hành và xóa bỏ mọi dữ liệu về bộ phim. Dưới áp lực của những kẻ tấn công "trong bóng tối", ngày 19-12, SPE đã chấp nhận hủy bỏ kế hoạch phát hành bộ phim. Đòn tấn công khá mạnh không chỉ khiến Sony bị thiệt hại hàng tỷ USD mà còn làm rò rỉ trực tuyến 5 bộ phim chưa được phát hành của hãng này. Nghiêm trọng hơn, sự vụ đã đặt quan hệ của Mỹ - Triều Tiên vào vòng căng thẳng.

Ông Obama hôm qua xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Ảnh: CNN



Ngay khi kết luận của FBI được đưa ra, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng cảnh báo trong cuộc họp báo cuối năm rằng Triều Tiên sẽ phải trả giá đắt. Dù Bình Nhưỡng phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến vụ việc và đề nghị điều tra chung với Mỹ, một quan chức an ninh cấp cao tại Washington cho rằng Bình Nhưỡng nên thừa nhận hành vi của mình và đền bù cho Sony thay vì chối bỏ. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố mọi lời buộc tội của Mỹ là vô căn cứ, đồng thời cảnh báo về "những hậu quả nghiêm trọng" nếu Mỹ tiếp tục có những lời lẽ chống lại Bình Nhưỡng.

Trước tình hình này, Mỹ cho biết sẽ tham vấn với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga để điều tra vụ việc. Đây là lần đầu tiên Mỹ trực tiếp cáo buộc Triều Tiên tiến hành một vụ tấn công mạng với quy mô lớn trên lãnh thổ Mỹ. Washington cho rằng Triều Tiên đang sở hữu một đạo quân tin tặc dạn dày kinh nghiệm và đây đã trở thành vũ khí mới của Bình Nhưỡng. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Triều Tiên có thể coi tấn công mạng là hình thức tác chiến kinh tế mà lại hiệu quả để tiến hành các hoạt động phi đối xứng chống lại quân đội đối phương. Còn tình báo Hàn Quốc thì khẳng định, lực lượng tác chiến mạng của Triều Tiên đã được xây dựng để có thể hỗ trợ khi nổ ra chiến tranh.

Tuy nhiên, điều rõ ràng nhất là sau những bước đi được coi là tích cực từ phía Triều Tiên khi nước này thả hai công dân Mỹ bị bắt giữ thì vụ SPE có khả năng tạo ra sự đối đầu mới giữa hai quốc gia đầy hiềm khích này. Thế nhưng cách thức ứng xử trong sự vụ lại không đơn giản. Các chuyên gia nhận định rằng, hiệu quả đáp trả của Washington với hành động tấn công mạng của Bình Nhưỡng tương đối hạn chế vì sự khép kín và ít có mối liên hệ với bên ngoài của nước này. Mặt khác, các nhà phân tích cũng cảnh báo, Mỹ cũng cần cân nhắc các biện pháp phản ứng vì điều này có thể khiến Triều Tiên leo thang một cuộc chiến tranh mạng cũng như công nghệ hạt nhân, những vũ khí quan trọng của quốc gia này với Mỹ. Vụ việc cũng cho thấy dù đã lường trước những nguy cơ về an ninh mạng từ cách đây rất lâu, song rõ ràng cách thức đối phó với mối nguy hiểm này là cực kỳ khó khăn. Sau hàng loạt những vụ "lùm xùm" trước đó diễn ra ở nhiều quốc gia, kiểm soát an ninh mạng nhằm chống lại các mối đe dọa từ thế giới ảo nhưng đầy sức mạnh là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với an ninh của một quốc gia. Điều đó đặt ra cho các nước yêu cầu cấp thiết phải nâng cao khả năng phòng vệ trước hình thức tấn công phi truyền thống này cũng như phải hợp tác với các quốc gia để ngăn ngừa tổn thất khôn lường từ những vụ "khủng bố" kiểu mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ - Triều Tiên: Bước vào chu kỳ căng thẳng mới!?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.