(HNM) - Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bắt đầu chuyến thăm tới 5 quốc gia Trung Đông dự kiến kết thúc vào ngày 16-2 nhằm thảo luận cách thức giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm...
Chuyến thăm được coi là tín hiệu tái khẳng định vị trí của Trung Đông trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang cho thấy những thay đổi về chiến lược tại khu vực này.
Ngoại trưởng Mỹ R.Tillerson (trái) và người đồng cấp Ai Cập S.Shoukry tại buổi họp báo chung sau cuộc gặp. |
Giới quan sát nhận định, ở mỗi điểm đến, người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ sẽ có những cuộc đối thoại đáng chú ý về các vấn đề gai góc, nhạy cảm và phức tạp nhất tại khu vực hiện nay. Nội dung các cuộc thảo luận xoay quanh việc thúc đẩy tiến trình hòa bình, lắng nghe quan điểm của các nhà lãnh đạo khu vực về giải pháp tốt nhất cho những vấn đề còn tồn tại như cuộc xung đột tại Syria, mâu thuẫn giữa Israel và Palestine, cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cũng như quan hệ song phương giữa Mỹ cùng các đồng minh tại Trung Đông.
Tại thủ đô Cairo (Ai Cập), Ngoại trưởng R.Tillerson đã có cuộc gặp với người đồng cấp Sameh Shoukry, tập trung thảo luận hàng loạt vấn đề như cuộc khủng hoảng tại Libya và Syria, cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề Israel - Palestine. Mỹ nhìn nhận Ai Cập là một đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là đối với các chi nhánh của IS đang có nguy cơ trỗi dậy ở miền Bắc bán đảo Sinai. Tuy nhiên, các vấn đề về dân chủ và nhân quyền cũng được Washington đánh giá là trở ngại trong quá trình thảo luận hợp tác với Cairo. Trước đó, Mỹ đã xem xét trì hoãn khoản viện trợ quân sự trị giá 195 triệu USD cho Ai Cập cũng với lý do này.
Ngoại trưởng R.Tillerson cũng sẽ tới Kuwait, tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng của Liên quân toàn cầu chống IS gồm 74 nước thành viên và Hội nghị quốc tế Kuwait về quá trình tái thiết Iraq trong những thập kỷ tới. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các nước Ả rập vùng Vịnh mà Kuwait đang đứng ra làm trung gian hòa giải là nội dung được đề cập trong các cuộc thảo luận. Tại thủ đô Amman của Jordan, ông R.Tillerson và người đồng cấp Jordan Ayman Safadi sẽ ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, an ninh, quốc phòng giữa hai nước trong những năm tới.
Trong chuyến thăm ngắn tới thủ đô Beirut (Lebanon), Ngoại trưởng Mỹ R.Tillerson dự kiến gặp Tổng thống Michel Aoun, Thủ tướng Saad Hariri, Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri để thảo luận về vai trò của phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon và khu vực. Các cuộc gặp gỡ được kỳ vọng sẽ tái khẳng định cam kết của Mỹ ủng hộ các lực lượng vũ trang Lebanon trong cuộc chiến chống IS và al-Qaeda, đồng thời giúp Beirut ứng phó với hàng loạt thách thức từ làn sóng người tị nạn Syria.
Khép lại chuyến thăm Trung Đông tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng R.Tillerson sẽ có cuộc gặp với các quan chức cấp cao nước này. Đây được coi là điểm dừng chân đáng chú ý nhất của chuyến công du, khi căng thẳng trong quan hệ hai nước có xu hướng tiếp tục leo thang, liên quan đến việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch tấn công lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn ở miền Bắc Syria.
Chiếm tới 60% lượng dầu mỏ và 40% lượng khí đốt của thế giới, không khó hiểu khi Trung Đông vẫn luôn là khu vực đóng vai trò quan trọng, tồn tại sự đan xen lợi ích và tranh giành tầm ảnh hưởng của các cường quốc. Trong khi trục Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ đang tạo ra những thay đổi trên bàn cờ chính trị tại Trung Đông và trở thành mối bận tâm lớn đối với Washington, chuyến thăm của Ngoại trưởng R.Tillerson đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng, Mỹ sẽ có vai trò mạnh mẽ hơn tại khu vực này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.