(HNM) - Ngày 16-9, tại Hà Nội, hội thảo
Hội thảo ghi nhận gần 50 tham luận và nhiều ý kiến đánh giá về thành tựu và bài học kinh nghiệm, đồng thời đưa ra đề xuất giải pháp cho sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam trong thời gian tới.
Bước chuyển sau cách mạng
Nhiều tham luận và ý kiến phát biểu đã tập trung làm rõ luận điểm: "Cách mạng Tháng Tám đã tạo bước ngoặt lịch sử cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam có được diện mạo khởi sắc, sống động và phát huy được vị trí của mình trong mỗi thời kỳ, đóng góp vào công cuộc đấu tranh, kiến thiết đất nước".
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến với bài tham luận khái quát "70 năm mỹ thuật hiện đại Việt Nam" đã nêu ra bối cảnh "ngột ngạt và thấp thỏm" của giới họa sĩ trong những ngày tháng Tiền khởi nghĩa. Vậy mà chỉ sau ngày 2-9-1945, những Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng và hàng chục họa sĩ khác đã tràn đầy cảm hứng sáng tác, suốt đêm ngày vẽ tranh cổ động để dựng trước các công viên, công trình công cộng.
Một triển lãm với hơn 100 tác phẩm của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương ngay sau đó cũng đã được mở, đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu. Tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Tháng Tám đã làm chuyển biến về nhận thức của giới mỹ thuật Việt Nam. Từ đây, nền mỹ thuật có nhiều giai đoạn, có nhiều hướng đi, phong cách và loại hình, song các tác phẩm đều bám sát thời cuộc, phản ánh và đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc.
Tại hội thảo, các nhà phê bình mỹ thuật, họa sĩ Trần Khánh Chương, Trần Thức, Nguyễn Đỗ Bảo, Mai Thị Ngọc Oanh, Khánh Phương, Đặng Thị Phong Lan, Uyên Huy, Nguyễn Kim Loan, Lê Quốc Bảo, Bùi Thanh Mai, Nguyễn Quân… đã dẫn dắt đại biểu qua các thời kỳ phát triển của mỹ thuật Việt Nam: Thời kỳ 1945-1946, 9 năm kháng chiến chống thực dân, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, thời kỳ mỹ thuật đổi mới và thời kỳ mỹ thuật hội nhập… Trong đó, họ đều làm rõ đặc điểm chi phối, sự phát triển từng loại hình và nghệ sĩ, tác phẩm tiêu biểu, đồng thời cũng không quên nêu những bài học kinh nghiệm xác đáng.
Bám sát thời cuộc
Nhân tố quan trọng nhất góp phần làm nên diện mạo của mỹ thuật Việt Nam suốt 70 năm qua chính là nghệ sĩ với những tác phẩm của họ. Như họa sĩ Trần Văn Cẩn kể lại: "Những năm kháng chiến, anh chị em đi rất xa, tham gia kháng chiến rất đông, vẽ tranh tuyên truyền, địch vận, tranh cổ động, kẻ khẩu hiệu. Hình ảnh người họa sĩ đi kháng chiến lúc ấy là một anh chàng thanh đạm, mặc đơn sơ, thong thả đi trong gió bụi...". Nhờ sự dấn thân không mệt mỏi, họ đã tạo nên những tác phẩm thấm đẫm hiện thực: "Xô Viết Nghệ Tĩnh", "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" (Nguyễn Sáng), "Nông dân đấu tranh chống thuế" (Nguyễn Tư Nghiêm), "Nhớ một chiều Tây Bắc" (Phan Kế An), "Nữ du kích" (Hoàng Tích Chù), "Nữ dân quân tuần tra trên biển" (Bùi Xuân Phái)… Đã thấy rõ sự tìm tòi phương tiện biểu đạt mới dựa trên chất liệu truyền thống xưa cũ, chẳng hạn như sơn ta, sơn then, vàng quỳ, bạc quỳ… góp phần tạo nên bộ sưu tập sơn mài giá trị của mỹ thuật Việt Nam trong thế kỷ XX.
Đến những năm bảy mươi, các họa sĩ Việt Nam ghi lại ký ức về một miền Nam đau thương mà anh dũng, một Thanh Hóa anh hùng, một Cồn Cỏ bất khuất, một Khe Sanh bất tử… Những ký họa màu nước, bột màu được vẽ ngay trong những chuyến đi, ngay tại trận địa, trở thành tư liệu quý giá, tiêu biểu như "Hành quân qua Trường Sơn" (Vũ Giáng Hương), "Pháo thủ gái bảo vệ bờ biển" (Trần Văn Cẩn), "Chuẩn bị vượt sông" (Nguyễn Hoàng), "Trận Johnson city" (Huỳnh Phương Đông)…
Gần nửa số tham luận trong hội thảo đề cập đến những vấn đề của mỹ thuật trong 30 năm đổi mới, "chia nhỏ" thành các giai đoạn để đi sâu phân tích, đánh giá cũng như định hướng phát triển trong tương lai. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: "Mỹ thuật ngày nay ở Việt Nam đang có bước phát triển tốt, ngoài hội họa, đồ họa, điêu khắc thì còn nhiều hình thức mỹ thuật đương đại cũng đã bắt kịp xu thế thế giới. Hiện chúng ta có mấy vạn họa sĩ, trong đó phần lớn là họa sĩ tự do. Điều đó cho thấy sự mở cửa và tạo điều kiện sáng tạo rõ ràng từ phía Nhà nước. Nghệ sĩ hiện nay có thể hết mình chứng minh khả năng của mình mà không vấp phải rào cản nào".
Dòng chảy 70 năm nghệ thuật tạo hình Việt Nam từ năm 1945 đến năm 2015 đã tạo ra thành công nhất định với sự xuất hiện của hàng loạt tài năng, có trường hợp mang dấu ấn quốc tế. Bởi vậy, hy vọng chặng đường sáng tạo tiếp theo của mỹ thuật Việt Nam sẽ có nhiều thành tựu mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.