(HNM) - Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ IV (2014-2019) đang diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội, với 280 tác phẩm nổi bật của các nghệ nhân, nghệ sĩ Việt sáng tạo trong 5 năm qua. Tuy có sự vượt trội về chất lượng so với những kỳ trước, nhưng để mỹ thuật ứng dụng có những bước tiến dài hơn trong tương lai, cần có chiến lược bài bản.
Hài hòa truyền thống và hiện đại
Sau 10 ngày triển lãm, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh ở làng mây, tre đan Phú Vinh (Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội) phấn khởi khoe rằng, đã có 5 đơn hàng giao dịch thành công bộ đèn đan vảy rồng mà ông sáng tạo, nhiều người khác liên lạc tìm hiểu về các sản phẩm mây, tre đan. Bộ đèn đan vảy rồng của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh được trao giải Nhất hạng mục Sản phẩm ứng dụng của triển lãm. Nghệ nhân này đã dùng ruột cây mây, xử lý và đan bằng kỹ thuật truyền thống, nhưng tạo hình đơn giản, hiện đại, đẹp mắt.
Bộ cửa “Trung Hiếu môn” của tác giả Trần Nam Tước (Hà Nội) - giải Nhất hạng mục Sản phẩm trang trí, cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng trước và sau khi tham gia triển lãm. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam phân tích, tác giả đã dẫn dắt từ câu chuyện xa xưa đến nhịp sống mới hôm nay trên những cánh cửa ở chính ngôi nhà của mình.
Tác giả Trần Nam Tước chia sẻ: “Tôi sử dụng kỹ thuật đục truyền thống mà cha ông để lại, dù hiện còn ít người làm, sau đó vẽ tranh bằng sơn Nhật - thứ sơn giúp tăng sức bền của cửa trong điều kiện khí hậu nóng, ẩm. Tôi chọn những chi tiết gần gũi, thân thuộc như con gà, con cuốc, con cò, hoa sen, bông lúa, khoai nước… khắc trên cánh cửa. Mỗi lần khắc, vẽ lại tạo thành một sản phẩm mới, không lặp lại”.
Bộ sưu tập thời trang “Giăng tơ” của tác giả Trần Thị Thu và Phạm Thị Thúy Hồng (Hà Nội) sử dụng vải dệt thủ công được vẽ họa tiết, màu sắc phù hợp với từng thiết kế, đã được người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng. Hay bộ trang sức cưới “Khải hoàn phượng” lấy hình tượng phượng hoàng trong hoa văn cung đình xưa của tác giả Nguyễn Võ Kim Ánh (thành phố Hồ Chí Minh) cũng khá thu hút khán giả, nhất là những người trẻ. Chứa đựng nhiều hình tượng truyền thống, nhưng bộ sản phẩm rất gọn nhẹ, mang vẻ đẹp hiện đại, không chỉ trong ngày cưới mà sử dụng vào ngày thường vẫn phù hợp.
Bày tỏ hài lòng về bộ bàn ghế mây của nghệ nhân Nguyễn Văn Hời, cũng xuất thân từ làng mây, tre đan Phú Vinh, họa sĩ Hồ Nam, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật ngành mỹ thuật ứng dụng (Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng, tác phẩm có cách đan khá bắt mắt, thiết kế tinh tế, vừa vặn với hình thể người Việt Nam, vật liệu thích hợp với khí hậu nước ta.
Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, 100% tác phẩm triển lãm đều được sử dụng trong đời sống và nhiều nhất là 25 tác phẩm đoạt giải thưởng. Các tác giả đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa nét truyền thống và hiện đại, ứng dụng công nghệ mới để tăng chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng hiện nay.
Liên kết để phát triển
Có thể thấy rõ, các thiết kế nổi bật, được đánh giá cao tại triển lãm mỹ thuật ứng dụng lần này tập trung ở khu vực sản xuất cá nhân, mang tính nhỏ lẻ, ít khả năng đưa vào sản xuất hàng loạt. Bên cạnh đó, theo nhận xét của họa sĩ Trần Thanh Bình (Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Duy Tân, thành phố Đà Nẵng), triển lãm này thiếu vắng người trẻ - yếu tố tạo nên sự mới mẻ, phong phú, hiện đại của mỹ thuật ứng dụng và thiếu mảng mỹ thuật truyền thông đa phương tiện. Những chất liệu được kỳ vọng là mới trong mỹ thuật ứng dụng Việt như trúc chỉ - một loại giấy độc đáo, mang tính thẩm mỹ và thân thiện với môi trường, có ít người chịu đào sâu, sáng tạo.
Các chất liệu Việt Nam có lợi thế như sơn mài, lụa, gỗ, gốm sứ, mây, tre đan có nhiều nghệ nhân đầu tư sáng tạo và được người tiêu dùng trong nước, quốc tế yêu thích. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa tận dụng và tạo sức bật cho những sản phẩm từ chất liệu này.
Họa sĩ Hồ Nam chia sẻ, ông rất bất ngờ khi biết các nghệ nhân làng nghề truyền thống sơn mài Hạ Thái (Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) được thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới Hermes đặt sản xuất hàng nghìn hộp sơn mài kích cỡ nhỏ để tặng kèm một nhãn hàng của họ.
“Mỗi chiếc hộp được chế tác cực kỳ tinh xảo. Nghệ nhân phải đeo kính lúp để làm sản phẩm, thậm chí bắt từng hạt bụi trên nắp hộp. Chúng ta làm được những tác phẩm chất lượng, giá trị như thế, nhưng lại chưa biết cách tạo thành guồng máy đưa đến người tiêu dùng”, họa sĩ Hồ Nam cho biết.
Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, mỹ thuật ứng dụng là một lĩnh vực rộng, liên quan đến nhiều ngành nghề, cần có sự liên kết, phối hợp giữa người thiết kế và đơn vị sản xuất, giữa vùng nguyên liệu và nhà sản xuất, giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa thị trường trong nước và quốc tế.
“Trước mắt, các công ty, doanh nghiệp, làng nghề, nhà thiết kế, nghệ nhân, thợ thủ công… nên “bắt tay” lập một website chung, biến nơi đây thành trung tâm giới thiệu, chào bán, giao lưu, trao đổi thông tin, kết nối thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế đáng tin cậy. Sau đó, chúng ta dần xây dựng một bộ máy làm công việc kết nối các mảng hoạt động của lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng. Như vậy, lĩnh vực này chắc chắn có đột phá, phát triển bài bản, chuyên nghiệp”, họa sĩ Vi Kiến Thanh đề xuất.
Bày tỏ sự đồng tình, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh cho rằng, các nghệ nhân thường chỉ tập trung vào chuyên môn sáng tạo, chế tác, ít có kỹ năng đưa sản phẩm ra thị trường, vì vậy, rất cần những cầu nối như thế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.