(HNM) - Mùa tranh, tượng đón Xuân Quý Mão 2023 càng cận Tết Nguyên đán càng rộn ràng. Qua các triển lãm mỹ thuật và những tác phẩm chủ đề mùa xuân, ngày Tết ra mắt dày đặc gần đây, người xem gặp rất nhiều gương mặt quen thuộc, nhưng mang dấu ấn sáng tạo mới và có cả những tác giả mới góp sắc màu khá lạ. Những tác phẩm tranh, tượng Tết của họ được công chúng đón nhận, tạo đà thúc đẩy mỹ thuật nước nhà phát triển trong năm mới.
Những không gian tranh, tượng rạng rỡ
Mèo - con vật biểu trưng của năm mới Quý Mão rất gần gũi, thân thuộc nên tạo cảm hứng sáng tạo hơn cho các nghệ sĩ tạo hình. Rất nhiều triển lãm chung chủ đề sáng tạo về con vật này được mở ra, trong đó, không ít tác phẩm được “gắn nơ đỏ” đánh dấu sở hữu.
Như thường niên, nhóm họa sĩ G39 quy tụ nhiều nghệ sĩ tạo hình tên tuổi, tiếp tục có triển lãm mang dấu ấn của con vật biểu trưng năm mới. Triển lãm “Mèo du xuân” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa qua có sự góp tranh, tượng của các họa sĩ, nhà điêu khắc quen thuộc, như: Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Đỗ Dũng, Lê Đình Nguyên, Nguyễn Minh… “Tết Art 2023” - không gian mỹ thuật đón năm mới mở tại Hanoi Studio Gallery (quận Ba Đình) đem đến công chúng yêu nghệ thuật những tác phẩm đầy ắp tâm tư và tinh thần “Tết” của các họa sĩ: Lê Anh Vân, Đặng Tiến, Phạm Hà Hải, Mai Xuân Oanh, Vũ Đình Tuấn, Phạm Tuấn Tú, Lê Trần Hậu Anh, Đỗ Hiệp...; các nhà điêu khắc: Khổng Đỗ Tuyền, Lê Lạng Lương, Trần Trọng Tri, Nguyễn Ngọc Lâm, Vũ Bình Minh…
Ghi dấu ấn trong những mùa tranh Tết gần đây khi các sáng tác chưa kịp khô màu đã có chủ sở hữu, năm nay, họa sĩ Tào Linh mở hẳn triển lãm cá nhân tranh Tết Quý Mão mang tên “Linh 2023” ở Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm). “Tôi thích vẽ mèo nhất trong số 12 con giáp vì con vật này vừa mềm mại, vừa mạnh mẽ, tình cảm nhưng độc lập”, họa sĩ Tào Linh tâm sự. Bộ 40 bức tranh đúng như tên gọi “Happy Cats” được họa sĩ tạo hình với phong cách tối giản, màu sắc tươi tắn, hình dáng uyển chuyển đem đến cảm xúc tích cực cho người xem. Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát thực hiện bộ 2.023 mèo độc bản làm từ vật liệu gỗ mít vùng Sơn Tây quê anh kết hợp với nghệ thuật sơn mài truyền thống và mạnh dạn đưa vào thành phố Hồ Chí Minh triển lãm với tên gọi “Meo”, được công chúng nhiệt thành đón nhận.
Năm nay, họa sĩ Lê Đình Nguyên ra mắt bộ 8 tác phẩm “Mèo đi chơi Tết” và tác phẩm “Mèo đi học”. Đặc biệt, đó đều là các tác phẩm sắp đặt có chuyển động, âm thanh, ánh sáng. Còn họa sĩ Lê Thiết Cương cùng họa sĩ Lê Minh Trí kết hợp sáng tạo hình tượng con mèo trên nền phôi gỗ xà cừ, với lớp báo cũ được bồi dán sau đó phủ màu, vẽ tranh bằng chất liệu acrylic. Yếu tố truyền thống và đương đại hòa quyện tạo thành những tác phẩm độc bản, gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ.
Bên cạnh tranh, tượng về con giáp biểu trưng của năm mới, các nghệ sĩ tạo hình cũng ra mắt nhiều tác phẩm về mùa xuân tươi vui, hạnh phúc. Như ở Triển lãm “Tranh xuân Quý Mão 2023” do Hội Mỹ thuật Việt Nam khai mạc mới đây tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm), họa sĩ Trịnh Nam mang đến không khí vùng cao mùa hoa nở trong “Đường về bản”, họa sĩ Nguyễn Hữu Thuận thể hiện sự thương yêu qua tác phẩm “Mùa xuân của mẹ”, hay họa sĩ Trần Tuyết Mai khắc họa màu sắc rực rỡ của “Mùa xuân”...
Gợi hướng sáng tạo cho mỹ thuật Việt Nam
Các nghệ sĩ tạo hình sáng tác và ra mắt tranh, tượng dịp Tết không chỉ hướng đến công chúng, mà còn nhằm đánh dấu khởi đầu mới cho chặng đường sáng tạo sắp tới. Thông qua những tác phẩm điêu khắc về mèo, nghệ sĩ Nguyễn Tấn Phát khẳng định hướng sáng tác của mình: “Tôi muốn giới thiệu, quảng bá nghệ thuật sơn mài, nghề thủ công truyền thống. Các tác phẩm tôi thực hiện luôn sử dụng chất liệu bản địa, thổi vào đó nét văn hóa địa phương, vừa mang tính mỹ thuật, vừa có công năng sử dụng”.
Thay vì những tác phẩm điêu khắc trâu hay các con giáp cách điệu tĩnh, họa sĩ Lê Đình Nguyên đã bước vào một hành trình sáng tạo rộng mở hơn bằng các tác phẩm sắp đặt động, có cả âm thanh, ánh sáng để vừa đem lại trải nghiệm mới mẻ cho người xem, vừa chuyển tải được nhiều câu chuyện, suy tư của nghệ sĩ. Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, điêu khắc màu hay điêu khắc động đã tồn tại trong nghệ thuật Việt ít nhất từ thời nhà Lý, trong hình hài những con rối nước thuần Việt. Song, để thổi hồn vào vốn cổ là một quá trình sáng tạo mới và không dễ thành công. Sự kết hợp giữa họa sĩ Lê Thiết Cương và Lê Minh Trí trong các tác phẩm điêu khắc màu tối giản, màu sắc vừa tương phản, vừa hài hòa, là một hướng gắn kết quá khứ và hiện đại đặc sắc.
Thưởng lãm các tác phẩm mỹ thuật đón Tết Quý Mão, ông Lê Đức Tuấn (phường Trúc Bạch, quận Tây Hồ) nhận xét: “Nhiều tác giả quen thuộc, nhưng họ luôn mang đến sự mới mẻ, thú vị. Có được bộ sưu tập tác phẩm của họ mỗi mùa xuân là thú chơi của người yêu nghệ thuật”.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, tạo nên những không gian, triển lãm tranh, tượng xuân là sự “ăn Tết” sớm của giới nghệ thuật tạo hình để gửi lời chúc tốt đẹp tới công chúng; đồng thời “khoe” tác phẩm mới, hướng sáng tác mới và gửi gắm kỳ vọng mùa bội thu sáng tạo. “Có thể thấy rõ mỹ thuật Việt Nam đang có sự chuyển giao thế hệ nhẹ nhàng, đã có lớp thế hệ trẻ thổi “làn gió mới”, hứa hẹn tạo nên bước khởi sắc cho nghệ thuật tạo hình ở thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, nhất là trong năm tới”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.