Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ sẽ triển khai bộ binh

Thùy Dương| 15/02/2015 05:56

(HNM) - Cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang đứng trước bước ngoặt mới khi Tổng thống Barack Obama đề nghị Quốc hội Mỹ trao quyền sử dụng sức mạnh quân sự chống lại lực lượng khủng bố này.



Theo đó, Tổng thống B.Obama chỉ gửi lực lượng quân sự đến Iraq và Syria khi cần thiết và không yêu cầu binh lính Mỹ hiện diện thường trực tại đây. Không giới hạn phạm vi chiến đấu, nhưng quân đội Mỹ sẽ chỉ được tham chiến chống lại phiến quân IS hoặc các tổ chức kế tục của IS. Với đề nghị được trao quyền triển khai bộ binh tấn công tổ chức khủng bố nguy hiểm này, đây là lần đầu tiên vị tổng thống từng đoạt giải Nobel Hòa bình buộc Quốc hội xem xét việc triển khai quân đội đến Trung Đông kể từ cuộc chiến Iraq năm 2003. Quan trọng hơn, đề nghị này trái ngược với những khẳng định trước đó của nhà lãnh đạo Mỹ rằng sẽ không sử dụng quân đội tham chiến trực tiếp trên chiến trường.

Sự tàn bạo của IS đã buộc Mỹ phải can thiệp bằng sức mạnh quân sự.


Tháng 8-2014, liên quân do Mỹ dẫn đầu bắt đầu tiến hành không kích các mục tiêu của IS ở Iraq. Nhưng hơn 6 tháng trôi qua, chiến dịch tấn công trên không vẫn chưa đủ mạnh để làm chùn bước những phần tử khủng bố tàn bạo. Trong khi đó, IS đã tuyên bố thành lập nhà nước, phất lên ngọn cờ Thánh chiến Hồi giáo và ngày càng có nhiều hành động vô nhân đạo. Ngày 17-11-2014, Tổ chức Theo dõi nhân quyền ở Syria công bố IS đã hành quyết 1.429 người tại đất nước này trong 5 tháng qua. Người Mỹ và nhiều công dân khác trên thế giới tiếp tục bị giết hại trong khi ngày càng có nhiều người phương Tây cầm súng cho tổ chức này, điều mà chưa một tổ chức khủng bố nào làm được từ trước đến nay. Rõ ràng các chiến dịch không kích chỉ có tác dụng ngăn chặn chứ không thể tiêu diệt IS, do vậy, lực lượng mặt đất sẽ là chìa khóa cuối cùng để xóa sổ sự tồn tại của tổ chức khủng bố quái đản này.

12 năm trước, Tổng thống Mỹ George W.Bush cũng yêu cầu Quốc hội trao quyền sử dụng sức mạnh quân sự trong cuộc chiến Iraq năm 2003. Trên truyền hình tháng 3-2003, Tổng thống G.W.Bush tuyên bố tung "cả không quân, hải quân, lực lượng tuần duyên và thủy quân lục chiến" vào cuộc chiến. Quyết định này đã khiến nước Mỹ sa lầy vào Iraq cho tới ngày Tổng thống B.Obama tuyên bố kết thúc chiến tranh năm 2011. Khác với người tiền nhiệm trong đề xuất lần này, Tổng thống B.Obama thận trọng vạch ra những điểm quan trọng giới hạn chiến dịch quân sự của Mỹ. Theo đó, ông chủ Nhà Trắng cam kết không kéo nước Mỹ rơi vào một cuộc chiến mặt đất khác ở Iraq. Tổng thống sẽ không triển khai quân đội để tham gia chiến dịch tấn công mặt đất lâu dài. Thay vào đó, mọi hoạt động của quân đội Mỹ trên bộ sẽ chỉ giới hạn trong nhiệm vụ cứu nạn, còn đội đặc nhiệm mới là đơn vị truy sát các thủ lĩnh IS. Dự luật do Tổng thống B.Obama đề xuất có quy định tối đa thời gian của chiến dịch chỉ kéo dài 3 năm. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, vì hai đạo luật cho phép tổng thống sử dụng quân đội mà Quốc hội Mỹ thông qua để tiến hành cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq không đề cập đến giới hạn thời gian.

Ngay sau khi bản dự luật được đệ trình, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều từ các nghị sĩ chủ chốt của lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, không phải là bất đồng về đảng phái mà là sự tranh luận giữa phe nghị sĩ cực đoan và nghị sĩ ôn hòa, về mức độ can thiệp quân sự ra nước ngoài. Phe cực đoan cho rằng, dự luật mới bó buộc quyền hạn của Tổng thống quá nhiều và do đó sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của quân đội Mỹ, trong khi phe ôn hòa lại lo ngại dự luật này vẫn còn quá chung chung trong quy định quyền hạn của tổng thống và do đó có thể sẽ đẩy Mỹ sa lầy vào một chiến dịch quân sự mới tại nước ngoài. Theo lịch làm việc của Quốc hội, quyết định cấp quyền cuối cùng có thể sẽ được đưa ra vào tháng 4-2015.

Đề xuất có ý nghĩa thay đổi quan điểm của Tổng thống B.Obama đã phát đi tín hiệu gia tăng sức ép lên lực lượng IS trong bối cảnh Chính phủ Iraq đang chuẩn bị phát động một cuộc tấn công tổng lực trên bộ - dự kiến diễn ra trong vài tháng tới. Động thái này nếu được thực hiện chắc chắn sẽ tạo nên những thay đổi lớn về cục diện cuộc chiến chống khủng bố và mục tiêu không nằm ngoài việc bảo vệ những lợi ích an ninh, kinh tế, chính trị của Mỹ tại khu vực Trung Đông. Cho dù, cùng với đó, nước Mỹ sẽ phải đối diện với những thách thức không nhỏ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mỹ sẽ triển khai bộ binh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.