(HNMO) - Ngày 9-4, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Chống hàng giả: Cần sự quyết liệt của nhiều ngành”.
Thống kê của Ban chỉ đạo 389/QG về chống buôn lậu và gian lận thương mại cho thấy, năm 2014 các lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 21.645 vụ hàng giả. Tuy nhiên, so với thực trạng sản xuất, buôn bán hàng giả trên thị trường thì kết quả này chưa phản ảnh hết tình hình hiện nay.
Hơn 7 tấn mỹ phẩm và hương liệu sữa không rõ nguồn gốc bị tịch thu hồi tháng 1-2015. |
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, hàng dệt may, giày dép, thực phẩm chức năng, rượu bia, nước giải khát, bột giặt, vật tư nông nghiệp, dây cáp điện, vật liệu xây dựng…nằm trong nhóm 30 mặt hàng bị làm giả trầm trọng, có mức độ lưu thông lớn trên thị trường Việt Nam. Hàng giả, hàng nhái là vấn nạn của tất cả mọi quốc gia trên thế giới và đặc biệt nghiêm trọng với các quốc gia kém phát triển. Khoảng 2.000 tỷ USD giá trị hàng giả được lưu chuyển trên toàn cầu mỗi năm. Trước đây, một sản phẩm bị làm giả thường phải mất 6 -7 tháng, thì hiện nay thời gian làm giả chỉ mất khoảng 1 tháng, thậm chí chỉ 1-2 tuần.
Ngoài ra, kỹ thuật, thủ thuật làm giả cũng ngày càng tinh vi, làm giả không chỉ ở trong nước mà còn đặt hàng ở nước ngoài rồi chuyển về Việt Nam tiêu thụ…Sự tinh vi và nhanh đến chóng mặt của hàng giả, hàng nhái đặt người tiêu dùng và các cơ quan quản lý vào tình thế khó khăn. Người tiêu dùng khó phân biệt được hàng giả, hàng thật khi mua bán, còn cơ quan quản lý Nhà nước phải vất vả hơn nhiều trong việc quản lý và bắt giữ, xử lý vấn nạn này.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389/QG nêu nghi vấn, năm 2014, lượng thịt trâu nhập khẩu từ Ấn Độ và một số nước khác vào Việt Nam qua tờ khai hải quan là trên 26.000 tấn. Nhưng trên thị trường, các lực lượng chức năng và người tiêu dùng có thấy bán thịt trâu nhập khẩu không, hay khối lượng thịt trâu này đã được làm giả thành thịt bò để đưa vào thị trường tiêu thụ cũng như vào các bếp ăn tập thể?
Tại buổi tọa đàm, đại diện các ngành chức năng đều cho rằng, để ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, lực lượng chức năng các địa phương đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Ở các tuyến biên giới, lực lượng biên phòng, hải quan và cảnh sát biển giữ vai trò trọng yếu. Tại thị trường nội địa, lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát và cán bộ thuế phải đóng vai trò tiên phong. Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp cũng cần tham gia tích cực hơn vào cuộc chiến chống này, góp phần xây dựng thị trường lành mạnh, an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.