Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc tổ chức họp ba bên: Củng cố quan hệ đồng minh

Quỳnh Dương| 30/03/2021 06:38

(HNM) - Nhằm củng cố liên minh tại châu Á, Mỹ cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp ngoại trưởng vào tháng 4 tới. Đây sẽ là hội nghị ngoại trưởng đầu tiên giữa ba nước kể từ sau khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1 vừa qua, và được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên cũng như toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (ngoài cùng bên trái) gặp người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi (ngoài cùng bên phải) trong chuyến công du châu Á đầu tháng 3-2021.

Hội nghị dự kiến được tổ chức tại Mỹ với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và hai người đồng cấp Toshimitsu Motegi của Nhật Bản và Chung Eui Yong của Hàn Quốc. Sự kiện diễn ra tại thời điểm hợp tác ba bên nhằm giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên được cho là ngày càng có ý nghĩa quan trọng, nhất là khi mới đây Triều Tiên đã tiến hành thử tên lửa hành trình sau một năm không có hành động quân sự nào.

Tuy nhiên, công tác chuẩn bị cho cuộc họp sắp tới có thể gặp nhiều trở ngại do quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc đang ở mức thấp nhất trong hàng chục năm qua do những tranh cãi giữa hai nước liên quan đến các vấn đề bồi thường hậu quả chiến tranh. Nhật Bản lập luận rằng, tất cả các vấn đề bồi thường đã được giải quyết theo hiệp ước năm 1965 về bình thường hóa quan hệ song phương. Trong khi đó, theo nhiều người dân Hàn Quốc, họ không có lựa chọn khác vào thời điểm đó và hiện tại là lúc Nhật Bản phải bồi thường. Năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đưa ra phán quyết buộc doanh nghiệp Nhật Bản phải bồi thường cho các lao động của Hàn Quốc bị cưỡng bức trong Thế chiến thứ hai.

Đỉnh điểm căng thẳng là năm 2019, Nhật Bản thắt chặt xuất khẩu 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình sang Hàn Quốc. Tháng 8-2019, Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi “danh sách trắng” các quốc gia được hưởng điều khoản thương mại ưu đãi. Hàn Quốc trả đũa bằng biện pháp tương tự.

Cũng trong tháng 8-2019, Hàn Quốc tuyên bố chấm dứt hiệp định chia sẻ thông tin quân sự chung (GSOMIA). Gần đây nhất, ngày 8-1 vừa qua, Tòa án quận trung tâm Seoul (Hàn Quốc) đã ra phán quyết đầu tiên yêu cầu Nhật Bản phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân của nước này 100 triệu won (91.300 USD). Nếu không sớm được giải quyết, căng thẳng Nhật - Hàn không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế thế giới cũng như những lợi ích của Mỹ tại châu Á.

Về cơ bản, lâu nay quan hệ giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn dựa trên hợp tác truyền thống, được khẳng định trong Hiệp ước An ninh Nhật Bản - Mỹ, Hiệp ước về phòng thủ chung giữa Mỹ và Hàn Quốc. Gần đây, một sáng kiến đang gây được sự chú ý là nhóm Bộ tứ hay còn gọi là “Tứ giác kim cương” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia. Chính vì vậy, giải quyết tranh cãi giữa hai nước đồng minh luôn được Mỹ đặt ở mức độ ưu tiên cao.

Hiện tại, chính quyền của Tổng thống Mỹ J.Biden vẫn đang đẩy mạnh những nỗ lực để thuyết phục Nhật Bản và Hàn Quốc cải thiện trao đổi thông tin, đồng thời đưa ra quan điểm của mình đối với khu vực Đông Á. Theo đó, chính quyền Washington sẽ củng cố các mối quan hệ đặc biệt với Nhật Bản và Hàn Quốc để duy trì và mở rộng ảnh hưởng. Các quan chức cấp cao Mỹ cũng khẳng định rằng, quan hệ hợp tác vững mạnh giữa hai nước đồng minh chủ chốt phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Để nhanh chóng thúc đẩy vai trò trung gian hàn gắn quan hệ giữa hai nước đồng minh, đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã tới thăm Nhật Bản và Hàn Quốc. Chuyến công du một lần nữa khẳng định Seoul và Tokyo đều là những đồng minh thân thiết và quan hệ bền vững, chặt chẽ giữa ba nước sẽ giúp thúc đẩy các mục tiêu chung vì hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên cũng như toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc tổ chức họp ba bên: Củng cố quan hệ đồng minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.