Việc Nhà Trắng đe dọa áp dụng thuế quan “có đi có lại” đối với mọi quốc gia đang áp thuế lên hàng hóa Mỹ đã gây tranh cãi dữ dội trên toàn cầu. Nhiều nhà quan sát nhận định, đây chính là ngòi nổ và một cuộc chiến thương mại đã hiển hiện.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho các quan chức bắt đầu tính toán thuế quan đối ứng để áp lên hàng hóa nhập khẩu của các đối tác thương mại toàn cầu, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Theo đó, thuế quan đối ứng là loại thuế mà Mỹ sẽ áp dụng để đánh vào hàng hóa nhập khẩu của một đối tác thương mại, tương xứng với mức thuế quan hiện hành đối tác này áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Nhà Trắng cho biết, thuế quan mới sẽ cân bằng khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất Mỹ và nước ngoài. Thông tin ban đầu cho thấy, mức thuế quan đối ứng còn được tính dựa trên các rào cản hoặc biện pháp phi thuế quan và các hành vi của nước khác, khiến chi phí đối với doanh nghiệp và người dân Mỹ tăng cao.
Chính sách thuế mới sẽ được triển khai trong vài tuần tới, sau khi nhóm kinh tế và thương mại của chính quyền ông Donald Trump hoàn tất việc rà soát các mối quan hệ thương mại song phương. Tuy nhiên, ngay sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ, nhiều đối tác thương mại của xứ Cờ hoa đã có phản ứng.
Quyền Tổng thống kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Choi Sang Mok ngày 14-2 cho biết, nước này sẽ xem xét kỹ lưỡng các rào cản phi thuế quan và các điểm yếu khác để ứng phó với kế hoạch áp dụng thuế quan đối ứng của Mỹ. Mặc dù Hiệp định Thương mại tự do Hàn Quốc - Mỹ cho phép duy trì mức thuế thấp, nhưng trong bối cảnh chính quyền Mỹ sẽ đánh giá rào cản tài chính phi thuế quan như thuế giá trị gia tăng và lệ phí đối với các dịch vụ kỹ thuật số..., tình hình hoàn toàn có thể thay đổi. Trong bối cảnh đó, Seoul sẽ xác định các lĩnh vực quan trọng mà Mỹ quan tâm và chuẩn bị tài liệu giải thích về các rào cản phi thuế quan của Hàn Quốc.
Cũng về vấn đề này, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cho biết, nước này đã bắt đầu liên lạc với Mỹ để thảo luận; đồng thời nhấn mạnh: Tokyo sẽ có phản ứng thích hợp trong khi xem xét những chi tiết cụ thể của các biện pháp thuế mà Washington công bố trong tương lai cũng như tác động của chúng đối với Đảo quốc Mặt trời mọc. Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc) lo ngại rằng, chính sách thuế sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp sản xuất linh kiện bán dẫn bản địa và mở đường cho việc khôi phục hoạt động sản xuất mặt hàng này tại Mỹ - điều mà ông chủ Nhà Trắng từng nhiều lần đề cập.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng ra tuyên bố khẳng định sẽ phản ứng “kiên quyết và ngay lập tức” nếu chính sách thuế đối ứng của Mỹ dẫn đến làn sóng tăng thuế; đồng thời nhấn mạnh đây là “bước đi sai lầm”. EC cho rằng, hàng rào thuế khu vực đang thấp nhất thế giới, với hơn 70% hàng hóa nhập vào Liên minh châu Âu được miễn thuế, do đó, Mỹ không có lý do gì để tăng thuế với hàng xuất khẩu của khối.
Những đe dọa mới về thuế có thể trở thành hành động “đổ dầu vào lửa” với những gì đang diễn ra. Hiện tại, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp thuế lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu (dự kiến từ ngày 12-3); đánh thuế bổ sung 10% lên hàng hóa Trung Quốc và cũng đã có biện pháp áp thuế lên hàng hóa Canada, Mexico... Chưa kể, việc Nhà Trắng đang xem xét áp thuế riêng đối với ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm.
Có thể nói, làn sóng thuế quan dồn dập đã khiến thị trường toàn cầu đối mặt với một cuộc chiến thương mại leo thang, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.
Ngay trong nước Mỹ, biện pháp thuế quan đối ứng cũng được cho là tiềm ẩn rủi ro. Việc lạm dụng các biện pháp này có thể sẽ phản tác dụng khi đẩy lạm phát lên cao và làm giảm tăng trưởng của nước Mỹ. Các chuyên gia thương mại cũng cho rằng, chỉ việc tính toán ứng phó thuế đối ứng đã là một bài toán khổng lồ với Washington nói riêng và thế giới nói chung, bởi mỗi nước có hàng nghìn mức thuế khác nhau.
Nhìn chung, việc triển khai thuế đối ứng có thể xem là một cú “đặt cược” nhiều rủi ro của Tổng thống Donald Trump khi ráo riết cải cách nền kinh tế Mỹ. Để các biện pháp mới không dẫn đến những hậu quả ngoài ý muốn và khó đảo ngược, lúc này các bên cần tăng cường đàm phán, cân nhắc và chuẩn bị những phương án ứng phó phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.