Mỹ đã huy động các quân nhân và các máy bay vận tải tới Philippines để giúp quốc gia Đông Nam Á khắc phục hậu quả của siêu bão Haiyan, Lầu Năm Góc ngày 10/11 cho biết.
Đại tá Brad Bartelt, phát ngôn viên lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, cho biết trong một tuyên bố rằng một nhóm chuyên gia đang đánh giá sự hỗ trợ cần thiết cho Philippines sau khi siêu bão Haiyan đi qua, vốn có thể cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người.
Người dân dùng tay che mũi và miệng khi đi qua một khu vực bị bão Haiyan tàn phá ở thành phố Tacloban. |
Ngoài ra, khoảng 90 lính thủy đánh bộ và các thủy thủ cùng 2 máy bay vận tải KC-130J Hercules đã rời Nhật Bản hôm 9/11 để tới Philippines, Đại tá John Peck cho hay.
Theo 2 quan chức trên, trọng tâm ban đầu bao gồm công tác tìm kiếm và cứu hộ trên biển bằng máy bay, cũng như hỗ trợ vận chuyển bằng trực thăng.
Trong số các thiết bị có thể đặc biệt hữu ích là máy bay vận tải MV-22 Osprey, họ cho biết.
"MV-22 Osprey có khả năng độc nhất vô nhị trong dạng chiến dịch này. Với khả năng tất cánh và hạ cánh ngắn/thẳng đứng, nó có thể hoạt động trong các môi trường thời tiết không thuận lợi", theo các tuyên bố.
Hai máy bay P-3 Orion của hải quân Mỹ đóng tại Florida và hiện đang được triển khai luân phiên tới Misawa (Nhật Bản) đã được điều động tới Philippines để trợ giúp các chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn, Đại tá Bartelt cho hay.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và phu nhân Michelle ngày 10/11 cho biết họ rất buồn trước những thiệt hại về người và của do bão Haiyan gây ra đối với Philippines và cầu nguyện cho hàng triệu người bị ảnh hưởng.
"Mỹ đang hỗ trợ nhân đạo cho Philippines và chúng tôi sẵn sàng trợ giúp nhiều hơn nữa cho các nỗ lực cứu hộ và phục hồi của chính phủ nước này", ông Obama nói trong một tuyên bố.
Mỹ từng có 2 căn cứ quân sự lớn tại Philippines, gần Manila nhưng đã rút khỏi các căn cứ này vào năm 1992 do tâm lý chống Mỹ ngày càng gia tăng và tranh cãi về chi phí thuê mặt bằng.
Một thảo thuận mới vào năm 1999 cho phép các binh sĩ Mỹ trở lại Philippines để tham gia các cuộc tập trận chung hàng năm. Theo Lầu Năm Góc, kể từ năm 1990, chính phủ Mỹ cũng trợ giúp Philippines trong hơn 40 thảm họa.
Thế giới chung tay trợ giúp Philippines
Các quốc gia và các tổ chức trên khắp thế giới đã nhanh chóng trợ giúp Philippines khắc phục hậu quả của siêu bão Haiyan.
Thủ tướng Anh David Cameron đã gọi điện cho Tổng thống Phippines Benigno Aquino III để gửi lời chia buồn và cam kết trợ giúp Manila trong việc khắc phục hậu quả siêu bão.
Một phát ngôn viên của phủ tướng Anh cho hay 10 triệu USD viện trợ khẩn cấp đang được chuyển tới Philipines để trợ giúp khoảng 500.000 nạn nhân.
"Chúng tôi cũng gửi 4 chuyên gia nhân đạo tới Philippines để cùng 3 cố vấn đang ở đó để giúp điều phối các hoạt động cứu trợ quốc tế", phát ngôn viên cho biết thêm.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã cam kết rằng các tổ chức nhân đạo của Liên hợp quốc sẽ "nhanh chóng hành động để trợ giúp người dân Philippines".
Liên hợp quốc cũng sẽ tham gia công tác cứu trợ và Nhóm điều phối thảm họa Liên hợp quốc đã tới thành phố Tacloblan.
Tổ chức UNICEF cho hay một máy bay vận tải chở 60 tấn hàng cứu trợ sẽ tới Philippines vào ngày mai 12/11.
Liên minh châu Âu cho biết sẽ viện trợ 4 triệu USD để trợ giúp các công tác cứu trợ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ lời chia buồn với người đồng cấp Philippines Aquino về những mất mát về người và thiệt hại to lớn do bão Haiyan.
Bộ các vấn đề khẩn cấp Nga đã đề nghị trợ giúp bằng cách điều các nhân viên tìm kiếm và cứu hộ và một bệnh viện di động. Nếu cần thiết, Nga sẽ điều 2 máy bay cùng một nhóm gồm 200 người tới Philippines, nếu Manila đề nghị.
Bão Haiyan, với sức gió lên tới 320 km/h, đã đổ bộ vào Philippines hôm 8/11 và đây là cơn bão mạnh nhất thế giới kể từ đầu năm tới nay. Các thông kê chưa đầy đủ cho biết hơn 10.000 đã thiệt mạng vì trận bão lịch sử này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.