Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ - Hàn Quốc đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự: Bất đồng kéo dài

Kim Phượng| 26/04/2020 07:26

(HNM) - Cuộc đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục tồn tại nhiều bất đồng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông không chấp nhận khoản đóng góp mà Seoul đưa ra nhằm duy trì hoạt động triển khai của các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK).

Thỏa thuận về các biện pháp đặc biệt (SMA) về chia sẻ chi phí quân sự giữa Washington và Seoul được duy trì từ năm 1991 nhằm bảo đảm sự hiện diện của USFK tại Hàn Quốc, bao gồm các chi phí thuê công dân nước này làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự và hỗ trợ hậu cần. Trước đây, Hàn Quốc và Mỹ quy định thời hạn hiệu lực của SMA là 5 năm. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống D.Trump đã xóa bỏ tiền lệ này, yêu cầu Seoul tăng mạnh mức đóng góp và rút ngắn thời hạn hiệu lực SMA xuống còn 1 năm.

Năm 2019, Hàn Quốc đóng góp 870 triệu USD cho USFK, tăng 8,2% so với năm trước. Sau khi thỏa thuận mới nhất hết hiệu lực vào cuối năm ngoái, Mỹ đã yêu cầu Hàn Quốc góp 4,7 tỷ USD trong năm 2020 để duy trì USFK. Các nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc tiết lộ khoản tiền này được dùng để trang trải nhiều chi phí từ cống thoát nước tại căn cứ quân sự, tập trận chung cho đến những chuyến xuất kích của máy bay ném bom ở bán đảo Triều Tiên... Đến nay, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành nhiều vòng đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự để tiến tới việc đạt được SMA mới nhưng đều không thu được kết quả.

Quan điểm của Tổng thống D.Trump là Hàn Quốc đang lợi dụng Mỹ, dù họ giàu có với nền kinh tế lớn hơn Australia. Về phía mình, Seoul giữ nguyên quan điểm mức tăng phải nằm trong phạm vi có thể chấp nhận được trong khuôn khổ SMA mà hai bên đã nhất trí trong gần 30 năm qua. Hàn Quốc chỉ chấp nhận mức tăng khoảng 13% trong năm nay.

Trong khi đàm phán đang bế tắc, Mỹ đã cho 4.000 nhân viên dân sự người Hàn Quốc nghỉ việc do không đạt được thỏa thuận trước hạn chót vào ngày 1-4. Washington cho biết cần những đóng góp của Seoul để trả lương cho nhân viên dân sự địa phương. Động thái này được cho là nhằm gây sức ép buộc chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in phải nhượng bộ trong các cuộc thương lượng.

Trong bối cảnh cả hai nước, đặc biệt là Mỹ đang phải chiến đấu với đại dịch Covid-19, các nhà phân tích cho rằng cuộc tranh luận về chi phí quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ còn kéo dài khi cả hai bên đều không muốn bỏ ra nhiều hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mỹ - Hàn Quốc đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự: Bất đồng kéo dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.