(HNM) - Nguy cơ căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang thành các cuộc đụng độ quân sự đang tạm lắng xuống và chuyển hướng sang lĩnh vực kinh tế khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump công bố thêm một loạt biện pháp cấm vận mới nhằm trả đũa việc nước Cộng hòa Hồi giáo nã tên lửa vào hai căn cứ của xứ Cờ hoa ở Iraq hôm 8-1-2020.
Thông báo về các biện pháp trừng phạt được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đưa ra trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng. Lệnh trừng phạt mới nhắm vào 8 quan chức cấp cao Iran có liên quan đến vụ phóng tên lửa vào căn cứ Mỹ, trong đó có Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani, tướng Mohammad Reza Ashtiani và sĩ quan cao cấp Gholamreza Soleimani, chỉ huy đơn vị dân quân Basij thuộc lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Washington cũng trừng phạt 17 nhà sản xuất và khai thác kim loại của Iran nhằm ngăn chặn nguồn cung hàng tỷ USD cho chính phủ nước này. Các lệnh trừng phạt còn nhắm vào một mạng lưới gồm 3 thực thể có trụ sở tại Trung Quốc và Seychelles, cùng một tàu liên quan đến việc mua bán, vận chuyển các sản phẩm kim loại của Iran. Ngoại trưởng M.Pompeo khẳng định, đây là biện pháp nhằm thẳng vào trung tâm bộ máy an ninh nội bộ của nước Cộng hòa Hồi giáo. Còn người đứng đầu ngành Tài chính Mỹ S.Mnuchin cho biết: “Washington sẽ chặn nguồn tiền đang hỗ trợ cho chế độ Tehran”.
Tuyên bố của giới chức Mỹ phù hợp với lời khẳng định trước đó của Tổng thống D.Trump rằng Washington sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt Iran để trả đũa vụ tấn công bằng tên lửa của Tehran nhằm vào lực lượng Mỹ ở Iraq. Đây là vụ tấn công đáp trả cuộc không kích của Mỹ tại sân bay quốc tế Baghdad (Iraq) hôm 3-1 khiến Thiếu tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh đơn vị đặc nhiệm Quds thuộc IRGC thiệt mạng. Trong bài phát biểu ngày 8-1, ông chủ Nhà Trắng giải thích, các cuộc tấn công của Iran không gây thương vong và chỉ có thiệt hại rất nhỏ tại các căn cứ quân sự. Điều này cho thấy Iran dường như đang lùi bước. Do đó, Washington sẽ đáp trả bằng cách tăng lệnh trừng phạt kinh tế mà không có thêm hành động quân sự.
Giới phân tích cho rằng, việc hạ nhiệt mặt trận quân sự và chuyển hướng sang kinh tế là một hành động nắm bắt cơ hội kịp thời của giới chức Mỹ để xuống thang căng thẳng. Trên thực tế, đòn trả đũa mà Iran đưa ra dường như đã được tính toán kỹ lưỡng nhằm tránh gây thương vong và được thực hiện chủ yếu như một hành động mang tính tượng trưng. Ông Richard Nephew, một chuyên gia từng làm việc cho Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, tuyên bố của Mỹ không mang nhiều ảnh hưởng thực chất bởi phần lớn các lĩnh vực, cá nhân nằm trong danh sách trừng phạt lần này cũng đã có tên trong các lệnh trừng phạt trước đó. Trên trang Twitter cá nhân, ông Mohsen Rezaei, Thư ký Hội đồng tham mưu, cố vấn cho lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và là cựu chỉ huy IRGC cũng đánh giá biện pháp trừng phạt của Washington chỉ mang tính biểu tượng.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa siêu cường thế giới và siêu cường khu vực chưa hẳn đã qua đi. Trước áp lực quốc tế và cáo buộc từ Mỹ, ngày 11-1, Iran thừa nhận đã vô tình bắn hạ chiếc máy bay Boeing 737-800 của Hãng hàng không Ukraine International Airlines khiến 176 người thiệt mạng hôm 8-1 vừa qua, sau nhiều ngày phủ nhận thông tin này. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng, sự việc xảy ra giữa thời điểm “khủng hoảng do hành động phiêu lưu mạo hiểm của Mỹ gây ra”.
Ở thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ cơ hội nào giúp tiến hành các hoạt động ngoại giao nghiêm túc giữa Tehran và Washington, trừ khi có đột phá. Sắp tới, nhiều khả năng chính quyền Mỹ cũng sẽ tiếp tục tăng áp lực với Iran bằng cách áp đặt các chế tài kinh tế nghiêm ngặt hơn như một cách chuyển hướng mặt trận đối đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.