Hai máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã bay gần các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng phi pháp ở Biển Đông trong tuần này và bị các nhân viên kiểm soát mặt đất Trung Quốc hỏi thăm nhưng vẫn thực hiện sứ mệnh bình thường, Lầu Năm Góc cho biết.
Một máy bay ném bom chiến lược B-52 bay qua Thái Bình Dương (Ảnh: cnet) |
Theo Reuters, cuộc tuần tra mới nhất của Mỹ tại Biển Đông diễn ra trước chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới khu vực vào tuần tới để tham dự thượng đỉnh APEC, nơi ông dự kiến sẽ tái khẳng định cam kết của Washington đối với tự do hàng hải và tự do bay trong khu vực.
Trong sứ mệnh diễn ra vào đêm 8-9/11, các máy bay ném bom của Mỹ đã bay “trong khu vực” quần đảo Trường Sa, nhưng không vào vùng 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền quanh các đảo nhân tạo phi pháp, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Bill Urban cho hay.
“Các máy bay B-52 thực hiện một sứ mệnh thường lệ ở Biển Đông”, cất cánh và trở về đảo Guam, ông Urban nói thêm.
Các nhân viên kiểm soát mặt đất Trung Quốc đã liên lạc với các máy bay ném bom Mỹ, nhưng hai chiếc B-52 vẫn tiếp tục sứ mệnh mà không bị ảnh hưởng gì.
“Chúng tôi thực hiện các chuyến bay B-52 trong không phận quốc tế tại khu vực vực đó ở mọi thời điểm”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết trong cuộc họp báo ngày 12/11.
Sứ mệnh trên diễn ra sau khi Hải quân Mỹ hồi tháng trước điều một tàu khu trục tên lửa dẫn đường vào vùng 12 hải lý quanh một đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông, trong khuôn khổ một cuộc tuần tra tự do hàng hải. Đây là thách thức lớn nhất của Mỹ từ trước tới nay đối với các giới hạn lãnh hải mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố quanh các đảo nhân tạo. Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ sau cuộc tuần tra này.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho hay ông không rõ liệu vấn đề Biển Đông có nằm trong chương trình nghị sự chính thức tại 3 hội nghị thượng đỉnh châu Á mà Tổng thống Obama sẽ tham dự tuần tới hay không, nhưng nói thêm rằng chủ đề đó luôn “trong suy nghĩ và lời nói” của các lãnh đạo thế giới tề tự ở đó.
Điểm dừng chân đầu tiên của ông Obama sẽ là Manila, Philippines để tham dự thượng đỉnh APEC, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có mặt. Sau đó, Tổng thống Mỹ tới Kuala Lumpur dự các hội nghị cấp cao ASEAN và Đông Á.
“Chúng tôi rất quan tâm tới việc bảo vệ tự do hàng hải, tự do thương mại ở Biển Đông. Và chúng tôi sẽ tiếp tục thối thúc tất cả các bên, cả nước lớn lẫn nước nhỏ, giải quyết các khác biệt thông qua con đường ngoại giao và không cậy thế nước lớn và mạnh hơn để hăm dọa các láng giềng”, ông Earnest nói.
Trong một hành động nhằm chứng tỏ cam kết của Mỹ, ông Obama sẽ tham dự một sự kiện mà Nhà Trắng miêu tả là “nhằm chứng tỏ sự trợ giúp an ninh của Mỹ đối với Philippines”. Giới chức Mỹ không tiết lộ chi tiết về sự kiện này. Nhưng hồi tháng 9, Đô đốc Hải quân Mỹ Harry Harris, người đứng đầu Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, đã tới thăm Trung tâm giám sát bờ biển quốc gia, một địa điểm thuộc trụ sở lực lượng bảo vệ biển Philippines mà Washington trợ giúp Manila xây dựng để cải thiện khả năng giám sát các diễn biến ở Biển Đông.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông dưới cái gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn”, chồng lấn lên các vùng biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.