(HNM) - Trong khi
Đồng hồ báo nợ quốc gia Mỹ đặt ở Quảng trường Thời đại đã hết số vào cuối năm 2008 khi vượt qua con số 10.000 tỷ USD. |
Ngày 2-6 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ thông báo, lần đầu tiên trong lịch sử, nợ công của Mỹ đã lên tới hơn 13.000 tỷ USD, tăng khoảng 1.600 tỷ USD so với năm ngoái, tăng hơn gấp đôi trong vòng 10 năm qua và chiếm tới 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm của Mỹ. Hiện nước Mỹ có 309 triệu dân, vị chi mỗi người, kể cả trẻ em Mỹ đang cõng trên lưng khoản nợ 42.000 USD. Nợ công ở Mỹ tiếp tục tăng với tốc độ 3,5 tỷ USD/ngày và dự kiến sẽ vọt lên mức 20.000 tỷ USD trong 10 năm tới. Lãnh tụ phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell phải thốt lên rằng nợ quốc gia Mỹ đang trong tình trạng "khẩn cấp thật sự".
Chưa thực sự thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế nên việc nợ công Mỹ bùng nổ khiến Chính phủ nước này lo lắng về một vòng xoáy phá sản mới. Dễ dàng nhận thấy việc nợ công tăng mạnh phản ánh mức thâm hụt nghiêm trọng trong chi tiêu của Chính phủ Mỹ nhằm hồi sinh nền kinh tế số một thế giới. Cũng theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, tháng 4 vừa qua là tháng thứ 19 liên tiếp ngân sách liên bang Mỹ bị thâm hụt trầm trọng. Thực trạng này đã trở thành đề tài nóng tại nghị trường Washington khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đổ lỗi cho nhau.
Các nghị sỹ Cộng hòa cho rằng, thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao là do chính quyền Obama đã "vung tay quá trán," đặc biệt cho các chương trình cải cách đến nay vẫn gây tranh cãi dù đã được Quốc hội thông qua như cải tổ hệ thống y tế quốc gia. Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama nêu rõ, vào thời điểm ông nhậm chức, thâm hụt ngân sách năm của Mỹ vào khoảng 1.000 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng gấp 8 lần trong một thập kỷ tới. Theo giới phân tích, ông B.Obama đã ám chỉ rằng, sở dĩ nợ nần phình to là kết quả của những chính sách có từ thời cựu Tổng thống George W.Bush. Trong 8 năm cựu Tổng thống George W.Bush nắm quyền, nợ tăng thêm 4.900 tỷ USD. Kể từ khi B.Obama làm Tổng thống, khoản nợ của Mỹ đã cộng thêm 2.400 tỷ USD.
Nguyên nhân chính làm nợ công của nền kinh tế lớn nhất hành tinh ngày càng phình to là do thâm hụt ngân sách liên tục tăng cao, với khoảng 1.840 tỷ USD hồi năm ngoái, chiếm 13% GDP. Dự kiến năm nay thâm hụt ngân sách sẽ giảm chút ít, nhưng vẫn ở mức 1.500 tỷ USD. Trong khi đó, hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan đang góp phần đáng kể làm gia tăng nợ nần của nước Mỹ. Cuối tháng 5 vừa qua, Thượng viện đã chuẩn chi ngân sách bổ sung, nâng chi phí cho cuộc chiến tại Afghanistan năm nay lên 100 tỷ USD (ở Iraq là 60 tỷ USD). Như vậy, tới cuối năm nay, số tiền Mỹ đổ vào hai cuộc chiến này sẽ lên tới 1.100 tỷ USD.
Theo tiêu chuẩn chung, nợ chính phủ không được vượt quá 60% GDP tính đến cuối mỗi năm tài chính và mức thâm thủng ngân sách hằng năm của mỗi nước không được vượt quá 3% GDP. Trước số nợ khổng lồ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner e ngại giới đầu tư đến lúc nào đó sẽ mất niềm tin vào hệ thống tài chính của Washington. Dù Mỹ vẫn còn khả năng trả nợ, nhưng Washington đang ở vào tình trạng nợ đáng báo động. Thâm hụt ngân sách Mỹ đã lên tới mức kỷ lục 10% GDP kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Theo các nhà phân tích, nền kinh tế Mỹ, cuộc sống và lối sống của người Mỹ hiện nay tồn tại được đều nhờ nợ. Trừ một số năm cuối 1990, nhiều thập kỷ nay Washington đã chi nhiều hơn thu và phải đi vay số thiếu hụt còn lại. Tiền thuế đáng lẽ phải được dùng để trả nợ hằng năm thì giờ lại dùng để trả lãi suất cho khoản nợ. Cái vòng luẩn quẩn đó càng khiến tình hình tồi tệ hơn.
Để giảm khoản nợ đang làm rung động cả nước, Chính phủ Mỹ buộc phải lựa chọn giảm chi tiêu đến tận cùng kèm theo tăng thuế hoặc phải phá giá đồng USD. Nhưng, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế chưa dứt khiến các ngân hàng tiếp tục bị phá sản; việc làm chưa được cải thiện đáng kể; tranh chấp thương mại với Trung Quốc và một số nước khác tăng nhanh thì những lựa chọn vừa nêu đều rất khó khăn với Mỹ.
Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính nổ ra tháng 9-2008 đang chất lên vai nhiều quốc gia gánh nặng nợ nần do phải đi vay để chi tiêu và cứu trợ kinh tế; không chỉ những nước nghèo mới mắc nợ mà ngay cả cường quốc như Mỹ cũng đang oằn vai với gánh nợ hàng nghìn tỷ USD.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.