(HNM) - Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố chiến lược mới tại Bắc Cực khi khu vực quan trọng này đang chịu những tác động ngày càng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu và sự cạnh tranh quốc tế gia tăng. Bắc Cực cũng ngày càng trở thành một căn cứ quan trọng của Mỹ cho các chiến dịch ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo tài liệu về chiến lược mới do Nhà Trắng công bố, Bắc Cực với hơn 4 triệu dân, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và hệ sinh thái độc đáo đang trải qua một sự chuyển đổi mạnh mẽ. Với tình trạng biến đổi khí hậu, sự chuyển đổi này đặt ra những thách thức về sinh kế tại đây, đồng thời mở ra các cơ hội kinh tế mới và có thể thúc đẩy cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia. Chiến lược cho biết: “Biến đổi khí hậu tác động lớn hơn đến Bắc Cực so với nhiều vùng ôn đới hơn, tạo ra địa hình không ổn định, bờ biển dễ bị tổn thương, thay đổi hệ sinh thái và khủng hoảng đa dạng sinh học ngày càng trầm trọng”. Một chương trình nghị sự khẳng định Mỹ trong mười năm tới sẽ hiện thực hóa tầm nhìn này. Chiến lược bao gồm 4 trụ cột chính: An ninh, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững và hợp tác quốc tế. Nhà Trắng chủ trương xây dựng khả năng phục hồi và thích ứng cho bang Alaska, đồng thời theo đuổi các sáng kiến quốc tế nhằm giảm thiểu khí thải ở Bắc Cực.
Chiến lược trên được công bố trong bối cảnh hiện tượng ấm lên toàn cầu đang làm băng ở Bắc Cực tan chảy, đe dọa hệ thống cơ sở hạ tầng ở bang Alaska của Mỹ, nhưng mặt tích cực là mở ra các tuyến vận tải biển tiềm năng trên Bắc Băng Dương. Tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu ở Bắc Cực, nơi nhiệt độ đang tăng nhanh gấp ít nhất ba lần so với mức trung bình thế giới, cũng mở ra không gian mới cho các đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ.
Trong thập kỷ qua, Nga đã xây dựng lại, hiện đại hóa và mở rộng khả năng quân sự ở Bắc Cực một cách có hệ thống. Hồi tháng 8-2022, Tổng Thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nêu rõ Nga đã mở lại hàng trăm địa điểm quân sự từ thời Liên Xô trong khu vực, đồng thời cho biết thêm rằng khả năng của Nga tại đây đặt ra một thách thức chiến lược đối với liên minh 30 quốc gia. Trung Quốc, cũng chú ý đến tài nguyên khoáng sản và các tuyến vận chuyển mới tại Bắc Cực khi các tảng băng tan cùng với nhiệt độ tăng.
Hiện có 6 quốc gia bao quanh Bắc Băng Dương, gồm: Nga, Canada, Mỹ, Đan Mạch, Na Uy và Iceland. Bắc Cực là một trong những khu vực cuối cùng còn sót lại chưa được khai thác của thế giới. Tuy nhiên, những tác động tai hại của sự nóng lên toàn cầu đã làm tan chảy các chỏm băng ở hai cực và khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên, trị giá hàng chục nghìn tỷ USD, đang nằm trong tầm tay của nhân loại. Băng ở vùng cực đang rút đi với tốc độ ngày càng nhanh và một số ước tính dự đoán rằng Bắc Cực sẽ hoàn toàn không có băng biển mùa hè vào đầu năm 2035. Khi đó, các tàu có thể đi qua Bắc Cực từ châu Âu và Bắc Á trong những tháng mùa hè. Sự dễ dàng tiếp cận khu vực này mang lại những cơ hội kinh tế lớn cho cả vận tải biển thương mại bằng cách sử dụng tuyến Tây Bắc trên đỉnh Canada và tuyến Đông Bắc qua đỉnh nước Nga, cắt bỏ hàng nghìn kilômét mỗi hành trình. Bắc Cực có trữ lượng lớn dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và các khoáng chất như niken, bạch kim... Theo ước tính có khoảng 16% lượng dầu chưa được khai thác của thế giới và 30% lượng khí đốt chưa được phát hiện nằm dưới đáy đại dương.
Với những tiềm năng vượt trội, việc tiếp cận Bắc Cực hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích về địa chính trị và kinh tế cho các quốc gia quan tâm. Đặc biệt, cường quốc số một thế giới luôn xem Bắc Cực là khu vực có vai trò chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia và thực hiện các lợi ích kinh tế cũng như quân sự của nước này, như khẳng định của Giám đốc Hoạt động không gian của lực lượng hàng không vũ trụ Mỹ, Tướng John Raymond rằng: “Bắc Cực thực sự là địa hình quan trọng đối với chúng tôi”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.