Theo báo cáo dự án Chi phí chiến tranh của Đại học Brown được công bố ngày 7-10 - ngày kỷ niệm các cuộc tấn công của Hamas vào Israel, Mỹ đã chi ít nhất 17,9 tỷ USD viện trợ quân sự cho Tel Aviv kể từ khi cuộc chiến bắt đầu và dẫn đến xung đột leo thang trên khắp Trung Đông.
Ngoài ra, Mỹ còn chi thêm 4,86 tỷ USD cho các hoạt động quân sự tăng cường của nước này trong khu vực kể từ các cuộc tấn công ngày 7-10-2023.
Báo cáo được hoàn thành trước khi Israel mở mặt trận thứ hai, nhằm chống lại phong trào Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Lebanon, vào cuối tháng 9.
Đây là một trong những bản thống kê đầu tiên về chi phí ước tính của Mỹ khi chính quyền Tổng thống Joe Biden ủng hộ Israel trong các cuộc xung đột của nước này ở Gaza và Lebanon, đồng thời tìm cách kiềm chế hành động thù địch của các nhóm vũ trang liên minh với Iran trong khu vực.
Ít nhất 1.400 người ở Lebanon, bao gồm cả lực lượng Hezbollah và dân thường đã thiệt mạng kể từ khi Israel mở rộng đáng kể các cuộc không kích ở quốc gia này cuối tháng 9.
Israel được Mỹ bảo trợ kể từ khi thành lập năm 1948, là quốc gia nhận viện trợ quân sự lớn nhất của Washington trong lịch sử, với 251,2 tỷ USD kể từ năm 1959, báo cáo tiết lộ.
Mặc dù vậy, 17,9 tỷ USD đã chi kể từ ngày 7-10-2023 cho đến nay là khoản viện trợ quân sự lớn nhất được gửi đến Israel trong một năm. Mỹ đã cam kết cung cấp hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Israel và Ai Cập mỗi năm khi họ ký hiệp ước hòa bình do Washington làm trung gian năm 1979 và một thỏa thuận kể từ khi chính quyền Obama ấn định số tiền hàng năm cho Israel là 3,8 tỷ USD cho đến năm 2028.
Viện trợ của Washington kể từ khi cuộc xung đột ở Gaza bắt đầu bao gồm tài trợ quân sự, bán vũ khí, ít nhất 4,4 tỷ USD tiền rút từ kho dự trữ của Mỹ và các thiết bị đã qua sử dụng được truyền lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.