(HNMO) - Thói quen ngậm, mút ngón tay là một tật xấu ở trẻ với nhiều tác hại đối với sức khỏe và thẩm mỹ cơ mặt, cần được can thiệp kịp thời.
Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh từ 2-3 tháng tuổi bắt đầu có thói quen mút tay khi cảm thấy đói, cần được bú sữa và đây cũng là phản xạ tự nhiên của con trẻ khi còn ở trong bụng mẹ. Mút tay là một cách bé học tập và chơi, lúc đầu bé sẽ đưa cả bàn tay vào miệng rồi dần dần đưa 3 ngón tay, 2 ngón tay và cuối cùng khi não bộ phát triển đến mức độ cao hơn thì bé sẽ chỉ đưa 1 ngón tay vào miệng.
Khi bé có thể đưa ngón tay cái vào miệng, chứng tỏ cơ quan điều khiển sự vận động và các cơ bắp của bé có thể phối hợp theo ý muốn. Hành động mút tay ở bé dưới 2 tuổi là dấu hiệu cho biết não bộ của bé đang phát triển và bắt đầu tìm tòi thế giới xung quanh.
Bé nghiện ti mẹ nhưng không phải lúc nào cũng được bú tí. Mút tay giúp bé thỏa mãn cơn ghiền của mình. Khi mút tay, bé sẽ có cảm giác rất bình yên và thoải mái, không cáu kỉnh, gào khóc, sợ sệt… Mút tay có tác dụng kích thích các cơ quan xúc giác, khứu giác và vị giác, giúp thúc đẩy sự phát triển các công năng thần kinh, đồng thời, giúp bé bú sữa mẹ tốt hơn, miệng ngậm chặt vào đầu ti của mẹ hơn… Mút tay cũng là cách giúp bé rèn luyện trí thông minh.
Đa số các bé có thói quen mút tay (ngón cái) và giữ lâu thói quen này, làm cha mẹ lo lắng. Nhưng điều này không ảnh hưởng quá lớn đến bé vì mút ngón tay cái ít làm biến dạng cung răng. Ngón cái luôn có sẵn và bé có thể tự mình tìm thấy nó bất cứ lúc nào. Mút ngón cái vài lần trong ngày được quan sát thấy ở những đứa trẻ cân bằng nhất. Thói quen này sẽ mất khi bé khoảng 2 tuổi, thay vào đó là những thói quen nhỏ khác…
Mút tay chưa rửa sạch sẽ khiến cho bé bị các bệnh lây truyền qua đường miệng như bệnh tay chân miệng và các bệnh đường tiêu hóa…
Trẻ 2 tuổi mút tay là thói quen xấu, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thẩm mỹ cơ mặt
Đến khi trẻ 2 tuổi trở lên mà vẫn còn mút tay thì đó là biểu hiện của thói quen xấu. Bé mút tay là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đưa vi trùng, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Nếu khả năng miễn dịch của bé không tốt, rất có thể dẫn đến những bệnh truyền nhiễm. Khi tự thọc tay quá sâu vào miệng khiến bé dễ bị nôn/trớ, nhất là sau khi ăn.
Nếu bé mút tay quá nhiều, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cơ mặt. Hàm trên, hàm dưới cũng gặp những tác động, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của răng, và tổng quan là ảnh hưởng đến khuôn mặt của bé. Mút ngón tay thường khiến răng cửa của bé mọc hô về phía trước. Mức độ hô của răng phụ thuộc vào thời lượng bé mút ngón tay và vị trí mà bé đặt ngón tay. Nhưng các nha sĩ chỉ ra rằng, độ lệch lạc của răng sữa do mút ngón tay không ảnh hưởng tới răng bắt đầu mọc hẳn khi trẻ khoảng 6 tuổi. Nếu bé gần 6 tuổi mà vẫn mút ngón tay, mẹ có thể trao đổi với bác sĩ để tìm ra cách ngăn chặn các vấn đề về răng.
Bé mút tay nhiều, lâu và dùng lực mạnh không chỉ làm bẹp đầu ngón tay, mà còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của xương tay. Khi bé có răng mà vẫn tiếp tục thích “món ăn” này, rất có thể sẽ khiến ngón tay bị thương khi bé vô tình nghiến vào.
Có rất nhiều bé cảm thấy chỉ mút tay là đủ. Đó không chỉ là “bữa ăn” khoái khẩu, mà còn là cách bé đùa nghịch với chính bản thân. Do đó, bé sẽ không muốn tham gia các hoạt động nào khác ngoài việc nằm cả ngày và măm măm ngón tay cái. Điều này lâu dần sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, trí tuệ và sự hình thành tính cách của bé.
Trẻ ngậm ngón tay quá sâu có thể dẫn đến nôn trớ, nhất là sau khi ăn uống. Ở những bé có động tác mút mạnh liên tục (thậm chí nhai hoặc dùng lưỡi đẩy) có thể gây ra một số tổn thương ở da ngón tay, răng và hàm. Da ngón tay bị nứt đi nứt lại, lở loét sẽ tạo điều kiện cho vi trùng bên ngoài xâm nhập vào dưới da, gây viêm da mủ. Mút tay nhiều, lâu ngày còn gây biến dạng xương ngón tay, tạo nên hình dạng ngón tay bất thường. Thậm chí biến dạng răng và hàm; miệng bé trở nên vẩu (do răng và hàm bị đẩy ra ngoài) hay móm (do một hàm bị đưa vào trong); lệch khớp cắn; rối loạn phát âm. Sau này cần phải đến nha khoa để điều trị.
Giúp bé từ bỏ thói quen mút tay
Chị Thanh Vân (Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ rằng, con gái chị đã bước sang tuổi thứ 3 và bé vẫn duy trì thói quen mút tay từ khi mới được 6 tháng. “Bé thường mút tay khi buồn ngủ và muốn đi ngủ, khi đã say giấc, bé sẽ tự động bỏ tay ra. Tôi đã thử nhiều biện pháp nhưng vô ích với 'cơn thèm mút tay' của bé”, chị Vân chia sẻ.
Nhằm giúp bé từ bỏ thói quen xấu này, phụ huynh có thể chuyển sự chú ý hay đánh lạc hướng trẻ từ tay sang các đồ vật khác như đồ chơi hoặc động viên bé tham gia vào một trò chơi mà bé phải sử dụng cả hai tay. Một cách khác là lựa chọn thời điểm thích hợp, khi bé có thể sẵn sàng nghe và hiểu rằng việc mút tay là một thói quen xấu và cần được từ bỏ. Ngoài ra, các mẹ có thể lựa chọn một phương án khác để chấm dứt thói quen này của con là dùng băng dính quấn vào ngón tay mà bé thường dùng để mút và nhắc nhở bé. Trong trường hợp thói quen này khó có thể chấm dứt được, bạn cần tìm tới lời khuyên từ bác sĩ.
Để ngăn ngừa chứng mút tay vô thức, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn một loại dung dịch bôi vào ngón tay cho bé. Với bé lớn hơn (4 tuổi), bạn có thể chọn những bức ảnh có minh họa về vi khuẩn. Nếu lên 6 tuổi bé còn thích mút tay, bạn nên trao đổi điều này với bác sĩ tâm lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.