(HNMO) – Hơn 45 triệu người hiện đang sống trong chế độ “nô lệ” thời hiện đại, trong đó những nạn nhân đến từ khu vực châu Á chiếm tới hai phần ba.
Theo báo cáo “Nô lệ toàn cầu 2016” (Global Slavery Index) của tổ chức Walk Free Foundation, thế hệ “nô lệ” thời hiện đại bị bóc lột bởi nhiều hình thức như lao động không công để trừ nợ (gán nợ), trẻ em bị bắt làm tôi tớ, hôn nhân cưỡng ép, bị ép làm việc bằng đòn roi và bạo lực… Những con người này đều đang phải hứng chịu vô vàn những hiểm hoạ, đe doạ, lạm dụng mà không hề dám lên tiếng hay đấu tranh cho cuộc đời của mình. Theo BBC, hiện có 5 hình thức “nô lệ” đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới:
1. Làm việc trong ngành công nghiệp thuỷ sản
Nhiều nạn nhân của bọn buôn người phải làm việc trên các tàu đánh cá (Ảnh: Getty images) |
Những nhóm hoạt động vì nhân quyền cho biết hàng ngàn người đã bị buôn bán và ép buộc làm việc trên những con thuyền đánh cá. Họ thường phải sống và lao động trên biển hàng năm trời mà không được về đất liền. Những nạn nhân được cứu thoát chia sẻ rằng những người trốn thoát mà lỡ bị bắt lại sẽ bị trừ khử và ném xuống biển.
Thái Lan, một trong ba nước lớn nhất xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất thế giới từng bị cáo buộc “ngó lơ” nhiều thuyền đánh cá từ Miến Điện và Campuchia chuyên buôn bán và bóc lột sức lao động của thuỷ thủ như nô lệ. Chính quyền nước này đang cố gắng xử lí triệt để những tội ác mà nhóm buôn người gây ra.
Một nạn nhân từ Miến Điện may mắn thoát khỏi bọn buôn người cho biết, anh phải lao động cật lực, đánh bắt cá 20 tiếng một ngày trên biển khơi bằng chiếc thuyền bé tẹo mà không được trả dù chỉ một đồng lương. “Chúng từng doạ chúng tôi rằng nếu dám trốn thoát thì sẽ bị đánh gãy tay, gãy chân hoặc thậm chí bị giết chết”, anh kể lại với phóng viên BBC.
2. Làm việc tại các khu trang trại trồng thuốc phiện và ngành công nghiệp làm móng
Số liệu thống kê cho thấy khoảng 10.000 đến 13.000 “nô lệ” của Anh là nạn nhân buôn người từ các nước như Albania, Nigeria, Việt Nam và Romania.
Chỉ riêng Việt Nam đã có khoảng 3.000 trẻ em phải làm việc cho những trang trại trồng thuốc phiện và các tiệm làm móng. Trong đó, rất nhiều nạn nhân đã kể với gia đình họ không thể bỏ việc vì sợ bị đánh đập, hành hạ.
Một nạn nhân 16 tuổi đến Anh lao động với hy vọng kiếm được nhiều tiền để gửi về nhà cho gia đình. Tuy nhiên, giấc mơ tan vỡ khi cậu bé bị bắt phải làm việc trong một trang trại trồng thuốc phiện. “Tôi nhớ rằng khi tôi hỏi người đàn ông đi cùng rằng tôi muốn bỏ việc vì tôi không thích thì hắn doạ là sẽ đánh tôi hoặc bỏ đói tôi đến chết”, nạn nhân cho biết.
Cuối cùng thì hắn cũng bị bắt khi cảnh sát lục soát nhà và bị buộc tội buôn bán ma tuý. Nạn nhân được các trung tâm tư vấn và bảo trợ trẻ em giúp đỡ để trở về với gia đình.
3. Nô lệ tình dục
Tổ chức Lao động quốc tế thống kê khoảng 4,5 triệu nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Sandra Woworuntu, một nhà hoạt động chống nạn buôn người đã bị bắt làm nô lệ tình dục tại Mỹ năm 2001. Cô rời quê hương Indonesia và được hứa hẹn một công việc trong ngành khách sạn tại Mỹ nhưng khi gặp những người của công ty môi giới việc làm ở sân bay, mọi chuyện hoàn toàn thay đổi. “Chúng bảo tôi rằng tôi nợ chúng 30.000 USD và phải trả nợ 100 USD mỗi lần bằng cách phục vụ đàn ông”, cô kể. Sau khi lập kế hoạch và bỏ trốn thành công, Shandra đã liên hệ với cảnh sát và giúp đỡ FBI tìm ra những nạn nhân khác của nạn buôn người.
4. Bị buộc phải đi ăn xin
Theo báo cáo của “Nô lệ toàn cầu 2016”, rất nhiều trẻ em ở dọc châu Âu, châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và cả Trung Đông bị buộc phải đi xin ăn trên đường phố bởi những thế lực tội phạm, xã hội đen.
Một nạn nhân kể lại rằng: “Mặc dù tôi là người đi xin nhưng tôi không hề được trả một đồng nào. Tôi phải nộp tất cả số tiền thu được trong một ngày cho bọn chúng nếu muốn được ăn và được ngủ”. Một nạn nhân khác lên tiếng: “Tôi không thể chia sẻ bất cứ điều gì bởi tôi vẫn còn sợ hãi lắm. Ông chủ doạ rằng nếu hé miệng bất cứ chuyện gì, tôi sẽ bị phạt một cách tàn bạo”.
5. Những công việc kín không ai biết
Phần lớn nạn nhân “nô lệ” đều không xuất hiện nhiều ở nơi công cộng. Họ thường bị “giam cầm” trong nhà hay trong các trang trại.
Cuối tuần trước, ba người đàn ông trong một gia đình ở Anh đã bị bắt vì tội ép buộc một người đàn ông khác làm việc nặng mà không trả lương. Nạn nhân là Michael Hughes, 46 tuổi bị bắt làm việc cho gia đình này hơn 20 năm, những công việc nặng nhọc như xây dựng và lắp đặt đường phố.
Ông còn cho biết phải sống trong điều kiện rất khổ sở, trong từng ấy thời gian, nạn nhân chỉ được sống trong ngôi nhà trong khu vườn rộng 1.2 mét, không có máy sưởi ấm vào mùa đông hay sử dụng nước sạch trong vòng hai năm.
Một hoàn cảnh khác tại Anh, tháng trước một người đàn ông cũng bị bắt vì tội giam giữ vợ. Người vợ này bị đối xử thậm tệ, bóc lột sức lao động, tra tấn và không được phép rời khỏi nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.