(HNM) - Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều chuyện cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của cộng đồng đối với thành - bại của giới kinh doanh, nhà sản xuất, đơn vị cung cấp dịch vụ.
Với sự hỗ trợ của phương tiện lan truyền thông tin, cộng đồng có thể dễ dàng chia sẻ danh tính của những đơn vị làm ăn không đàng hoàng, thông báo địa chỉ cơ sở dịch vụ kém chất lượng hoặc thông tin về những sản phẩm độc hại cần phải tránh một cách rộng rãi, nhanh chóng.
Thực tế cho thấy sự phản ứng đúng mực, trong khuôn khổ luật pháp của người tiêu dùng không chỉ giúp họ tránh được thiệt hại, mà còn góp phần loại bỏ cái xấu, khích lệ, động viên những tổ chức, cá nhân làm ăn chân chính, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Chẳng hạn, trong lĩnh vực truyền hình - thể thao, cộng đồng từng chứng kiến làn sóng chỉ trích đối với một đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền - nơi sở hữu thương hiệu K+, đã mua độc quyền bản quyền Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh trong vài năm vừa qua. Làn sóng đó đã tạo ra sức ép không hề nhỏ đối với đơn vị này và quan trọng hơn, nó khiến cho nhiều đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền phải đắn đo khi nghĩ tới cách làm ăn dựa trên sự độc quyền. Đó cũng là một phần nguyên nhân mà vào cuối năm 2015, hàng chục "nhà đài" đã ngồi lại với nhau, cùng cam kết không "phá rào" để đàm phán riêng lẻ, không mua bản quyền Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh giai đoạn 2016-2019 bằng mọi giá.
Tuy vậy, người ta có thể hỏi rằng vì sao mà K+, dù đối mặt với làn sóng chỉ trích từ người tiêu dùng nhưng hiện vẫn có được một lượng thuê bao tương đối lớn? Nói một cách khách quan, số thuê bao mà K+ có được do nhiều yếu tố, quan trọng nhất là sự cố gắng cải tiến chất lượng chương trình và do "sự đồng lòng… nửa vời" từ một bộ phận người tiêu dùng từng tham gia làn sóng chỉ trích trước đó. Nhiều người đã không vượt qua được sức cám dỗ từ bóng đá Anh và bởi vậy, dù phản đối sự độc quyền nhưng cuối cùng đã phải sử dụng dịch vụ của K+.
Bây giờ thì "vòng đời" bản quyền truyền hình Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh giai đoạn 2013-2016 đã dần khép lại, mở ra những gói bản quyền mới trong giai đoạn 2016-2019. Tuần qua, Ban đàm phán mua bản quyền - đại diện cho một số đơn vị truyền hình lớn tại Việt Nam - đã gửi công văn cho phía Ban tổ chức Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh, khẳng định quan điểm không mua bản quyền bằng mọi giá, không mua độc quyền. Tuy thế, đằng sau quan điểm "cứng rắn" của Ban đàm phán nhằm chống lại nạn độc quyền, người ta vẫn lo ngại rằng vào phút chót sẽ có một nơi nào đó "phá rào".
Chuyện độc quyền trong lĩnh vực truyền hình thể thao là ví dụ cho thấy người tiêu dùng có thể và cần thể hiện quyền được chọn của mình. Sự đồng lòng "nói không" của các "Thượng đế" đối với các kênh truyền hình "sống" nhờ vào độc quyền không chỉ mở ra cơ hội được hưởng dịch vụ tốt hơn, mà còn góp phần chặn đà tăng giá phi mã của các gói bản quyền. Cũng như trong các lĩnh vực khác của đời sống, người tiêu dùng không nên chỉ tiếp cận thông tin về cái xấu, về cách làm ăn không đàng hoàng rồi thôi, mà cần phải hành động, sử dụng quyền của mình để góp phần ngăn chặn điều đó.
Ta có thể đồng lòng sử dụng quyền đó nếu mai này có đơn vị nào đó "xé rào", độc quyền truyền trực tiếp Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh trên lãnh thổ Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.