(HNM) - Hội Khoa học - Kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí (ĐHKK) Việt Nam thành lập tháng 11-2004. Sáu năm qua, tổ chức xã hội nghề nghiệp này đã tham gia hiệu quả, góp tiếng nói, hành động chung để đưa công nghệ lạnh và ĐHKK đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Trung tâm Hội nghị quốc gia, một trong những công trình được Hội KHKT Lạnh và ĐHKK tham gia tư vấn phản biện và giám định xã hội. Ảnh: Bảo Trung |
TS Tạ Quang Ngọc, Chủ tịch Hội cho biết: Giai đoạn vừa qua, nền kinh tế nước ta có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tạo tiền đề phát triển nhiều ngành công nghiệp. Trong sự phát triển đó, lĩnh vực lạnh và ĐHKK cũng phát triển nhanh, dẫn đến hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn thiết kế, sản xuất và kinh doanh trên lĩnh vực này có sự bùng nổ thực sự. Trong bối cảnh này, Hội ra đời phần nào góp tiếng nói phản biện và giám định xã hội về quy chuẩn lạnh và ĐHKK, tham gia nghiên cứu và đào tạo, tập huấn, giao lưu khoa học kỹ thuật về các sản phẩm mới…
Đến nay, hoạt động chính của Hội chủ yếu thông qua các hoạt động của hội viên là các nhà khoa học hoặc qua Trung tâm Công nghệ lạnh và ĐHKK, Trung tâm Tư vấn thiết kế cơ nhiệt điện lạnh. Thành viên của Hội đã và đang tham gia hiệu quả vào nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học các cấp, trong đó có công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội, kể cả tham gia ở các công trình lớn và quan trọng như: Hệ thống lạnh ĐHKK ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà họp Trung ương Đảng, Trung tâm Hội nghị quốc gia… Hội tham gia tư vấn chuyên môn cho nhiều bộ, ngành, cơ sở, xí nghiệp trong quá trình thi công, lắp đặt các hệ thống lạnh và ĐHKK. Thành viên của Hội tích cực tham gia các hoạt động KHCN tại cơ sở và tham gia hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng các tiêu chuẩn nhà nước…
Năm 2005, Hội đã thành lập Trung tâm Công nghệ lạnh và ĐHKK hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và dịch vụ KHCN lạnh và ĐHKK. Trung tâm đã hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, một số hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện với kinh phí hơn 3 tỷ đồng... Bên cạnh đó, Trung tâm Tư vấn thiết kế cơ nhiệt điện lạnh đi vào hoạt động năm 2008 và hiện đang chủ trì thực hiện đề tài khoa học cấp bộ về "Khảo sát đánh giá hiện trạng công nghệ lạnh" … Đồng thời, Hội cũng đã thành lập hai chi hội tại ĐH Thủy sản Nha Trang, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Bộ KHCN đã quan tâm hoạt động của Hội ngay từ khi thành lập, ủng hộ việc mở trang web, tham gia chủ trì đề tài khoa học và ủng hộ chủ trương để Hội tham gia làm thành viên của Viện Lạnh quốc tế.
TS Tạ Quang Ngọc cho biết thêm: Hiện nay, lĩnh vực lạnh và ĐHKK ở nước ta không còn là từng thiết bị, thậm chí từng xí nghiệp đơn chiếc mà mang tính hệ thống, có mặt ở mọi nơi, trong nhiều lĩnh vực. Vậy cần phải làm sao để hệ thống lạnh không những có hiệu quả mà phải thân thiện với môi trường. Sự phát triển của công nghệ phải phù hợp các chính sách môi trường, chống lại biến đổi khí hậu với hậu quả tác hại của nó (trước mắt là vấn đề môi chất lạnh và giảm thiểu việc sử dụng năng lượng); sử dụng năng lượng tiết kiệm và hợp lý, hiệu quả sẽ hậu thuẫn cho sự phát triển bền vững của ngành và cũng là của nền kinh tế nước ta. Hoạt động của Hội phải đóng góp vào hướng chung này. Về kỹ thuật, đối với hệ thống sử dụng công suất lớn về nhiệt và lạnh, các nhà khoa học tiếp tục tính toán xây dựng các mô hình liên hoàn, hợp lý và tiết kiệm năng lượng. Cụ thể, Hội đang dự định tổ chức cuộc thi về tiết kiệm năng lượng các loại điều hòa nhiệt đơn chiếc cỡ nhỏ (9.000 BTU đến 24.000 BTU) và sau đó mở rộng ra.
Một thách thức của Hội trong thời gian tới là làm sao tập hợp nguồn chất xám và kinh nghiệm quý báu của các nhà khoa học cao tuổi để cùng thế hệ trẻ năng động tiếp tục phát huy năng lực, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển KHCN nước nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.