Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn cho người dân và cộng đồng

Kim Nhuệ| 19/06/2023 15:58

(HNNN) - Trước dự báo tình hình thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn cho người dân. Để làm rõ hơn vấn đề này, Hà Nội Ngày nay có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Quyến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội.

- Công tác phòng, chống thiên tai của thành phố Hà Nội những năm gần đây được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, có quy mô dân số đông... nên chỉ một tác động của thời tiết cực đoan, thiên tai sẽ gây ra những tổn thất rất lớn. Vì vậy, Thành phố luôn xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thường xuyên của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thành phố cũng dành nguồn lực lớn đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Nói cách khác, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố và sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các sở, ban, ngành thành phố và các địa phương, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó, khắc phục hậu quả đã được triển khai kịp thời, toàn diện, khẩn trương và hiệu quả; bảo đảm an toàn công trình đê điều, hồ, đập, không để xảy ra tình trạng hạn hán, ngập úng kéo dài và đặc biệt là giảm đến mức thấp nhất tổn thất do thiên tai, sự cố gây ra...

- Trước tác động của biến đổi khí hậu, công tác phòng, chống thiên tai của thành phố Hà Nội đối diện những thách thức, khó khăn nào, thưa ông?

- Dưới tác động của biến đổi khí hậu, Hà Nội xuất hiện nhiều loại hình thiên tai, như bão, lốc, sét, mưa lớn diện rộng, ngập lụt, lũ, sạt lở đất, rét hại, nắng nóng gay gắt, hạn hán, cháy rừng... Trong đó, loại hình mưa lớn diện rộng, ngập lụt, nắng nóng gay gắt... xuất hiện ngày càng nhiều, với cường độ, tính chất mạnh hơn, khốc liệt hơn, gây thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe, đời sống người dân.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là khi xuất hiện các loại hình thiên tai có cường độ lớn, không thường xuyên xảy ra. Thực tế hiện nay, trên địa bàn thành phố còn khoảng 0,85% dân số sinh sống trong nhà thiếu kiên cố; gần 1 triệu người sinh sống tại các khu dân cư ngoài bãi sông; nhiều đoạn đê, tuyến đê thuộc hệ thống sông Đáy còn thiếu cao trình, chưa đủ mặt cắt và liền tuyến... Nhiều đập hồ thủy lợi, trạm bơm làm nhiệm vụ phòng, chống úng ngập, hạn hán, phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh bị hư hỏng, xuống cấp. Bên cạnh đó, Hà Nội còn nhiều vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu, nhiều trọng điểm úng ngập đô thị, mật độ dân số đông, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội lớn... đang tạo ra những thách thức ngày càng lớn trong công tác phòng, chống thiên tai...

- Để ứng phó hiệu quả, giảm rủi ro thiên tai gây ra trong năm nay và những năm tới, Thành phố Hà Nội đã và đang ưu tiên triển khai những giải pháp nào, thưa ông?

- Xác định phòng ngừa là nhiệm vụ quan trọng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên phối hợp với các quận, huyện, thị xã kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình phòng, chống thiên tai như đê, kè, cống, đập hồ thủy lợi, trạm bơm... nhằm phát hiện hư hỏng, xuống cấp để báo cáo cơ quan thẩm quyền kịp thời đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn. Các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, cập nhật kế hoạch phòng, chống thiên tai; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương án, kế hoạch đã xây dựng.

Cùng với nhiệm vụ trên, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tăng cường thông tin truyền thông, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ, sạt lở đất đến nơi an toàn...

Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội đã tăng nguồn lực đầu tư nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng, chống thiên tai, đê điều, hồ đập, bảo đảm an toàn với tần suất thiết kế và thích ứng trước tác động mới của thiên tai. Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục đầu tư để chủ động dự báo, cảnh báo một số loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn; phấn đấu 100%  hộ dân thuộc khu vực đông dân cư thường xuyên xảy ra thiên tai có nơi ở an toàn...

Gia cố kè  Cổ Đô bảo vệ đê hữu Hồng, đoạn xã Cổ Đô (huyện  Ba Vì). Ảnh: Kim Văn

- Với những giải pháp trên, Hà Nội đang chuyển mạnh từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa thiên tai; trong đó phát huy vai trò, sức mạnh của cộng đồng?

- Đúng vậy! Để giảm rủi ro và tổn thất do thiên tai gây ra theo hướng hiệu quả, bền vững, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng là giải pháp quan trọng. Do đó, Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt phương châm “Ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả), “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “Năm không” (không để dân đuối nước, dân bị đói, dân bị khát, dân bị thương vong do điện giật và dân bị dịch bệnh). Các sở, ngành, địa phương thường xuyên xây dựng và tổ chức kế hoạch diễn tập, tập huấn, đào tạo, nâng cao nhận thức, hướng dẫn nhân dân kỹ năng ứng phó các tình huống thiên tai phù hợp với đặc thù của các sở, ngành và chính quyền các cấp.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện Đề án nâng cao nhận thức của cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng, tổ chức thực hiện phương án bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ dự báo, cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai. Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, phát triển cây trồng có khả năng chịu hạn, úng ngập, ứng phó với biến đổi khí hậu...

- Ngoài giải pháp phi công trình, Thành phố Hà Nội cũng đã dành nguồn lực lớn đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai?

- Để triển khai công tác phòng, chống thiên tai chủ động, tích cực và hiệu quả hơn, thành phố Hà Nội đã giao các sở, ngành, địa phương đầu tư phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để nâng cao năng lực cho lực lượng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Thành phố đầu tư hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống quan trắc, cơ sở hạ tầng để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; đồng thời thường xuyên duy tu, sửa chữa, cải tạo để nâng cao năng lực, hiệu quả các công trình phòng, chống thiên tai...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, Thành phố Hà Nội đang hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân, xây dựng xã hội, cộng đồng an toàn hơn trước thiên tai...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn cho người dân và cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.