Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mục tiêu bình đẳng giới khó trở thành hiện thực nếu thiếu sự tham gia của nam giới

Minh Vũ| 12/11/2021 15:57

(HNMO) - Ngày 12-11, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong nước, nước ngoài tại Việt Nam tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021.

Trong khoảng thời gian diễn ra Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm nay (từ ngày 15-11 đến 15-12), các bên cùng tổ chức nhiều hoạt động với chủ đề: “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái, nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.

Đại diện các cơ quan chức năng tại Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ năm 2016 đến nay đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội vào việc thực hiện các mục tiêu vì bình đẳng giới, qua đó góp phần rút ngắn khoảng cách giới trong nhiều lĩnh vực. Dẫn chứng là, tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, cao hơn 3,46% so với khóa XIV và cao nhất từ Quốc hội khóa V trở lại đây. Nhiều bộ, ngành lần đầu tiên có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Kết quả công tác bình đẳng giới trong các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, y tế, giáo dục đều có những chuyển biến tích cực. Chỉ số phát triển giới ở mức cao, đưa Việt Nam xếp thứ 65 trong số 162 quốc gia.

Hai năm gần đây, dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng bất bình đẳng giới gia tăng ở nhiều quốc gia, trong đó, phụ nữ, trẻ em là nhóm đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi.

Theo báo cáo về khoảng cách giới năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, thế giới phải mất tới 136 năm, thay vì 100 năm, để thu hẹp khoảng cách giới do Covid-19. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã luôn nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Nổi bật là trong chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, có nhiều chính sách ưu tiên cho phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, phụ nữ bị nhiễm Covid-19, trẻ em mồ côi do bố mẹ bị tử vong vì dịch... Sự quan tâm kịp thời này góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.

Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: "Mục tiêu bình đẳng giới khó trở thành hiện thực nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái". Vì thế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kêu gọi tất cả các bên liên quan, người dân, nhất là nam giới, hưởng ứng và triển khai các hoạt động thiết thực để thúc đẩy bình đẳng giới.

Còn ông Kidong Park, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần có thêm các dịch vụ thiết yếu, đáng tin cậy cho người bị bạo lực giới.

Thay mặt các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông Kidong Park cho biết, Liên hợp quốc cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực giới, hướng tới việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mục tiêu bình đẳng giới khó trở thành hiện thực nếu thiếu sự tham gia của nam giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.