Mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động làm việc trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp có những điểm khác nhau theo quy định hiện hành; đồng thời, có nhiều điểm mới tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Theo Luật BHXH hiện hành, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, thì tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tính theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Mức đóng BHXH theo mức lương cơ sở. Người có hệ số lương thấp thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp; người có hệ số lương cao thì đóng cao, nhưng tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở. Từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng, tương ứng với mức tiền lương đóng BHXH tối đa là 36 triệu đồng.
Dù chưa có quy định rõ về mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất với người lao động hưởng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, nhưng một bộ phận người lao động đang hưởng hệ số lương khá thấp (hệ số 1,86 hay 2,34…). Vì thế, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH với nhóm lao động này không cao, lần lượt là hơn 3,3 triệu đồng và hơn 4,2 triệu đồng cộng với các khoản phụ cấp (nếu có).
Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động (doanh nghiệp) quyết định, thì tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH gồm có mức lương ghi trong hợp đồng lao động, phụ cấp lương (phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên… và các khoản bổ sung theo quy định.
Mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng. Năm 2023, mức lương tối thiểu vùng của người lao động được quy định như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ) |
Vùng I | 4.680.000 | 22.500 |
Vùng II | 4.160.000 | 20.000 |
Vùng III | 3.640.000 | 17.500 |
Vùng IV | 3.250.000 | 15.600 |
Mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH cao nhất của người lao động trong doanh nghiệp bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Như vậy, theo các quy định hiện hành, mức tiền lương tháng thấp nhất làm căn cứ đóng BHXH của người lao động trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp có sự khác nhau, còn mức cao nhất giống nhau.
Theo định hướng cải cách chính sách tiền lương, chế độ tiền lương do nhà nước quy định sẽ không căn cứ theo lương cơ sở. Vì thế, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Chính phủ đề xuất bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng 50% mức lương tối thiểu tháng thuộc vùng cao nhất; cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu vùng cao nhất do Chính phủ công bố. Đây là cơ sở quy định căn cứ đóng BHXH đối với những đối tượng không hưởng tiền lương (chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương…); đồng thời cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm tham gia đối với đối tượng người lao động làm việc không trọn thời gian.
Tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với khu vực ngoài nhà nước (doanh nghiệp) cơ bản kế thừa quy định hiện hành, nhưng quy định cụ thể hơn. Theo đó, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương…
Nếu những đề xuất nêu trên được thông qua, thì tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động hưởng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và do người sử dụng lao động quyết định không có quá nhiều khác biệt. Điều này góp phần thu hẹp khoảng cách hưởng lương hưu giữa các nhóm lao động khi họ hết tuổi lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.