Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu chế xuất - khu công nghiệp (KCN-KCX) TP.HCM (Hepza), tính đến ngày 19/12, mức thưởng tết cao nhất gần 100 triệu đồng đang thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước.
Trong khi đó năm ngoái, thưởng tết cao nhất thuộc một doanh nghiệp FDI với mức hơn nửa tỉ đồng (532 triệu đồng).
Ngành may mặc đang dẫn đầu
Theo Hepza, tính đến nay đã có 160/1.000 doanh nghiệp do Hepza quản lý công bố mức thưởng tết đối với người lao động.
Cụ thể, mức thưởng cao nhất gần 100 triệu đồng tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước ở KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Mức thưởng cao kế tiếp trên 77 triệu đồng, thuộc về công ty chuyên về gia công may mặc (vốn đầu tư ngoài nước, KCX Tân Thuận).
Và mức thưởng cao thứ ba là công ty chuyên về sản xuất vật liệu xây dựng (tại KCN Hiệp Phước), trên 67 triệu đồng.
Tính chung mức thưởng thấp nhất ở hai khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trong và ngoài nước là 2 triệu đồng/người. Mức thưởng bình quân khoảng 3 triệu đồng/người.
Theo ông Hồ Xuân Lâm, Trưởng phòng Lao động Hepza, nếu tính theo ngành nghề thì mức thưởng cao nhất thuộc về lĩnh vực may mặc. Cụ thể, công ty TNHH chuyên về gia công áo quần áo xuất khẩu (KCX Tân Thuận) có mức thưởng trên 77 triệu đồng. Vị trí thứ hai thuộc về ngành điện-điện tử với mức thưởng trên 55 triệu đồng. Cùng đồng hạng vị trí thứ ba thuộc về ngành cơ khí, thực phẩm đều có mức thưởng cao nhất 50 triệu đồng.
Mức thưởng tết tính theo ngành nghề, ngành cơ khí xếp thứ tư, trong đó mức cao nhất là 50 triệu đồng.
Theo nhận định của Hepza, mức thưởng tết cho người lao động bình quân là một tháng lương cơ bản. Các doanh nghiệp có mức thưởng tết dẫn tốp đầu đều nằm ở KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Ngoài ra, thời gian nghỉ tết tại các DN trung bình từ 10 đến 14 ngày. Một số doanh nghiệp kết hợp giải quyết phép năm để người lao động có thời gian về quê thăm gia đình.
Thưởng tết để giữ lao động
Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đều đã chủ động xây dựng và công bố kế hoạch lương, thưởng tết và hỗ trợ vé tàu, xe cho người lao động ngay từ đầu tháng 12. Ngoài ra, các công ty còn hỗ trợ thêm một số khoản phụ cấp khác cho người lao động quay lại làm việc sau tết. Đại diện công đoàn các công ty này cũng cho rằng đây là giải pháp căn cơ để ổn định tâm lý người lao động, đồng thời thu hút người lao động trở lại làm việc sau thời gian nghỉ tết.
Trong khi đó, đến trung tuần tháng 12, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn dè dặt về mức thưởng tết. Ông TVA, Giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lý giải: Đây là thời điểm doanh nghiệp tập trung cho sản xuất, tung hàng ra thị trường, thu hồi nợ, quyết toán thuế cân đối tài chính… nên phải qua đầu tháng 1/2012 mới định liệu chuyện này.
Các nhà quản trị nhân sự nhìn nhận trong tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức về thị trường, tài chính… Nếu có chính sách quản trị linh hoạt để người lao động cùng chia sẻ áp lực về tiền thưởng tết sẽ giảm được gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động-Tiền lương, Tiền công, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết hiện đã có khá nhiều doanh nghiệp báo cáo lương, thưởng tết về Sở. Theo đó, ngày 21/12, Sở sẽ công bố chính thức về mức thưởng tết của các đơn vị đối với người lao động.
Ngày 19/12, Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết đến nay đã có tám quận gồm: Tân Bình, Gò Vấp và Bình Tân, 3, 10, 5, 11, 12 đã báo cáo nhanh về thưởng tết năm 2012. Cụ thể, DN có vốn nước ngoài thưởng cao nhất 65 triệu đồng, thấp nhất 500.000 đồng. Các công ty TNHH, cổ phần, DN tư nhân, HTX có mức thưởng cao nhất 50 triệu đồng, thấp nhất 500.000 đồng. Trong khi đó, DN nhà nước có mức thưởng cao nhất 15 triệu đồng, thấp nhất 2 triệu đồng. Còn khối cơ quan UBND phường, xã của quận này có mức thưởng cao nhất 24 triệu đồng/người, thấp nhất 18 triệu đồng/người.
Thưởng theo loại hình doanh nghiệp
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.