Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mức giảm trừ gia cảnh bao nhiêu là hợp lý?

Nguyễn Thị Cúc-Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam/Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế| 26/10/2012 15:32

Hiện nay, một số ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh không đủ sống, khi giá cả tăng thì mức giảm trừ cũng phải tăng theo. Vậy giảm trừ gia cảnh là gì và con số nào là vừa, là đủ là hợp lý với tất cả mọi người, với cả ngân sách nhà nước?




Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam,
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

Giảm trừ gia cảnh bao nhiêu là vừa?

Tại thời điểm xây dựng Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2006, Ban soạn thảo đưa ra 2 mức giảm trừ gia cảnh (GTGC): 5 triệu đồng và 4 triệu đồng/tháng, sau đó chốt ở con số thứ 2 và đã được Quốc hội thông qua.

Mức 4 triệu đồng cho người nộp thuế và 1,6 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc. Mức 4 triệu đồng là mức thu nhập cao hơn trên mức thu nhập bình quân xã hội và được căn cứ vào chính sách tiền lương, GDP trên đầu người hàng năm và mức chi tiêu của đại bộ phận dân chúng. Mức GTGC của Luật thuế TNCN của Việt Nam được các chuyên gia của dự án JCA, EU...  đánh giá là rộng rãi nhất thế giới.

Tuy nhiên, do chính sách giảm điều tiết thu nhập về thuế, tình hình kinh tế, giá cả có nhiều biến động nên nhiều ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh đã không còn phù hợp, cần có phương án điều chỉnh.

Vậy GTGC là gì và con số nào là vừa, là đủ là hợp lý với tất cả mọi người, với cả ngân sách nhà nước? Câu hỏi này buộc chúng ta quay về khái niệm GTGC là gì? Giảm trừ gia cảnh không phải là mức quy định cho người nộp thuế và người phụ thuộc đủ tiêu dùng, đủ sống... mà là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú để tính đến hoàn cảnh cụ thể khác nhau của người nộp thuế.

Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần: với người nộp thuế và người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng. Tất cả các nước trên thế giới áp dụng Luật thuế TNCN có quy định về mức GTGC thì đều quy định mức bằng tiền, không điều chỉnh khi giá cả biến động. Nếu so với GDP bình quân đầu người thì nhìn chung nhỏ hơn 1 lần.

Tham khảo số liệu về tỷ lệ so sánh giữa mức GTGC với GDP bình quân đầu người của Malaysia là 0,312 lần; của Thái Lan là 0,526 lần; Indonesia là 0,527 lần, riêng Trung Quốc 1,23 lần. Ở nước ta mức GDP bình quân đầu người năm 2011 là 1.300 USD (tương đương 27 triệu đồng), nếu tính mức GTGC hiện hành 48 triệu đồng cho riêng cá nhân người nộp thuế thì đã gấp 1,77 lần GDP. Nếu bình quân một người nộp thuế có 2 người phụ thuộc thì mức GTGC là 86,4 triệu đồng, gấp 3,2 lần GDP.

Mức GTGC mới có phù hợp?

Khi trình Quốc hội về mức GTGC của chúng ta khá cao là đã tính đến yếu tố đặc thù của Việt Nam, Luật chỉ đặt vấn đề thu thuế TNCN với người có mức thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân của xã hội, khi nền kinh tế phát triển, mức thu nhập tăng thêm thì có thêm nhiều người nộp thuế TNCN.

Tuy nhiên, theo Chiến lược cải cách và hiện đại hóa hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011, trong đó có nội dung: Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giảm thuế suất theo lộ trình (từ 25% xuống 20%), đối với thuế TNCN điều chỉnh mức thuế suất hợp lý nhằm động viên, khuyến khích cá nhân làm giàu hợp pháp.

Do vậy đề án sửa đổi Luật thuế TNCN là phù hợp với Chiến lược cải cách và hiện đại hóa hệ thống thuế.

Việc giảm điều tiết về thuế TNCN có thể thực hiện theo nhiều cách thức khác nhau: điều chỉnh biểu thuế: thuế suất và mức bằng tiền trong từng bậc, điều chỉnh nâng mức GTGC, kết hợp mức giảm trừ với điều chỉnh biểu thuế.

Dự thảo lần này Ban soạn thảo chọn phương thức nâng mức GTGC. Theo đó nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm) và cho mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng.

Thực tế phương án này là Luật hóa các Nghị Quyết của UBTV Quốc hội đã xử lý trong các gói giải pháp về thuế: Miễn thuế TNCN từ thu nhập tiền lương tiền công và thu nhập từ kinh doanh cho các cá nhân có thu nhập đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1 của Biểu thuế luỹ tiến từng phần được quy định tại Điều 22 của Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12 trong 5 tháng cuối năm 2011 và 6 tháng cuối năm 2012.

Thực hiện phương án này tất cả các cá nhân nộp thuế ở bậc 1 sẽ không còn nộp thuế TNCN, phần lớn các cá nhân đang nộp thuế ở bậc 2 sẽ chuyển sang nộp thuế ở bậc 1.

Theo đó, nguồn thu ngân sách nhà nước giảm đáng kể nhưng các cá nhân sẽ có thêm nguồn thu nhập: thay vì nộp thuế vào ngân sách nhà nước theo Luật hiện hành, thu nhập này sẽ để lại cho các cá nhân bổ sung tiêu dùng, tích lũy... qua đó có thể kích cầu, tác động trở lại đến thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Mức GTGC bao nhiêu là hợp lý, tại thời điểm thông qua Luật, cũng như tại thời điểm hiện nay lại rất khác nhau. Thông tin cũng rất trái chiều, các ý kiến đồng thuận với quan điểm của Ban soạn thảo thì không được báo chí thông tin nhiều nhưng các ý kiến trái chiều lại được khai thác, quan tâm nhiều hơn. Bởi thế, có hiện tượng người dân bị nhiễu thông tin, cho rằng mức giảm trừ không đủ sống, rồi giá cả tăng thì mức GTGC phải tăng theo.

Sở dĩ, có tình trạng đó cũng có một phần lỗi do công tác tuyên truyền chưa được làm tốt, chưa làm rõ cho người dân hiểu đạo lý của thuế TNCN cũng như cách xác định thu nhập chịu thuế, tính thuế.

Người phụ thuộc không chỉ tiêu dùng trong mức GTGC

Theo chúng tôi, người nộp thuế, người phụ thuộc không phải chỉ tiêu dùng trong giới hạn của mức GTGC, mà sau khi GTGC, giảm trừ khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc, đóng góp từ thiện (nếu có) thì thu nhập còn lại mới nộp thuế TNCN. Phần thu nhập đó nếu nộp thuế 5% thì 95% còn lại với GTGC mới là số thu nhập mà người nộp thuế dùng để chi tiêu.

Ví dụ được đưa ra phân tích là một người thu nhập thực nhận là 15 triệu đồng/tháng, có 2 người phụ thuộc thì theo luật hiện hành, sau khi trừ giảm trừ cho cá nhân 4 triệu đồng, giảm trừ cho 2 người phụ thuộc 3,2 triệu đồng, tổng thu nhập tính thuế sẽ là 7,8 triệu đồng, thuế TNCN là 530 nghìn đồng. 

Như vậy, thu nhập thực tế của người nộp thuế là 14, 470 triệu đồng chứ không phải chỉ được tiêu dùng trong mức GTGC là 7,2 triệu đồng.

Theo đề án Luật sửa đổi, giảm trừ cho cá nhân là 9 triệu đồng, giảm trừ cho 2 người phụ thuộc là 7,2 triệu đồng, tổng GTGC là 16,2 triệu đồng.

Theo đó mức GTGC còn lớn hơn mức thu nhập 15 triệu đồng, nên cá nhân này không phải nộp thuế TNCN.

Thực tế, người nộp thuế đều có mong muốn chính đáng được tăng mức GTGC, bớt nộp thuế, nhưng không chỉ thế, họ mong muốn khác lớn lao hơn: được tôn vinh khi thực hiện tốt nghĩa vụ, được bình đẳng về nghĩa vụ thuế, họ cũng muốn tiền thuế của mình sử dụng đúng mục đích...

Việc sửa Luật thuế TNCN lần này, cải cách hệ thống chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế sẽ đạt được nguyện vọng chính đáng của nhân dân nói chung, của người nộp thuế TNCN nói riêng .

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mức giảm trừ gia cảnh bao nhiêu là hợp lý?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.