Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mục đích là để Hà Nội phát triển đột phá

Hà Phong| 17/10/2010 06:50

(HNM) - Ngày 16-10, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đã cùng chủ trì hội nghị cho ý kiến vào Dự luật Thủ đô lần cuối trước khi trình Quốc hội thảo luận vào ngày 16-11 tới. Các nhà chuyên môn, thành viên ban soạn thảo Dự luật Thủ đô đã tham dự.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đi đến thống nhất rằng: việc mở rộng địa giới hành chính và tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều quy định pháp luật không còn phù hợp, đang cản trở sự vươn lên của Hà Nội; Dự án Luật Thủ đô mới nhất với 18 cơ chế đặc thù là cơ hội để Hà Nội khắc phục tình trạng này.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại cuộc họp - Báo cáo dự án Luật Thủ đô. Ảnh: Bá Hoạt


Quyền gắn liền với trách nhiệm
Tiếp thu các ý kiến đóng góp của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Phú Trọng và Ủy ban Pháp luật trong phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ QH diễn ra vào ngày 15-9 vừa qua, Dự thảo Luật Thủ đô mới nhất với 4 chương, 35 điều đã bỏ các quy định về chính sách thu hút nguồn nhân lực, thành lập cơ quan chuyên môn thuộc UBND, quy hoạch đê điều và công trình trên địa bàn Hà Nội và thiết kế Điều 25 mới theo nguyên tắc việc xây dựng Thủ đô phải gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô. Riêng chính sách ưu đãi về tài chính, mặc dù còn có ý kiến khác nhau nhưng Ban soạn thảo kiên quyết bảo lưu quan điểm là cần giữ lại.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo:
Giao quyền gắn với đòi hỏi, nhưng không trái Hiến pháp

Để Luật Thủ đô đi vào đời sống, đem lại lợi ích chung cho người dân trên địa bàn Thủ đô và cả nước, chất lượng tiếp tục phải ưu tiên hàng đầu. Trong đó, vấn đề cần lưu ý đầu tiên là luật giao cho Thủ đô quyền nhưng cũng cần gắn những đòi hỏi với Thủ đô và không trái Hiến pháp. Có như vậy, khi trình Quốc hội dự luật này mới nhận được sự đồng thuận của các đại biểu. Mặt khác, việc xây dựng các quy định đặc thù của Thủ đô phải được thuyết minh sâu sắc, lập luận chặt chẽ, khoa học, trường hợp còn có những ý kiến khác nhau cần lấy phương án tối ưu nhất.

Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh:
Sớm soạn thảo các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Thủ đô
Ban soạn thảo cần sớm chuẩn bị các nghị định đi kèm Luật Thủ đô để các cơ quan chức năng có thời gian nghiên cứu, cho ý kiến. Khi luật được QH thông qua rồi, có nghị định hướng dẫn triển khai ngay thì luật mới có tính ứng dụng cao.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, đây là cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để quy hoạch, đầu tư, phát triển bền vững Hà Nội. Việc phân bổ ngân sách cho Thủ đô cao hơn các địa phương khác, cho phép Hà Nội được sử dụng các khoản thu ngân sách TƯ vượt dự toán để đầu tư xây dựng, phát triển phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước, là việc làm cần thiết, đặc biệt là sau khi thành phố được mở rộng địa giới hành chính. Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, Hội đồng Khoa học Bộ Tư pháp cũng thống nhất đề nghị trao cho HĐND TP Hà Nội quyền ra một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi vi phạm nhằm tăng quyền chủ động của chính quyền Thủ đô. Số phí thu được sẽ được đầu tư trở lại để bảo vệ môi trường, xây dựng và quản lý đô thị. Song song với đó, dự thảo cũng quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các tổ chức, cá nhân sinh sống trên địa bàn Thủ đô. Đây được coi là biện pháp khác biệt hơn so với các địa phương khác để có thể quản lý tốt và tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng góp phần hóa giải nạn ùn tắc giao thông, quá tải dân cư... mà Hà Nội đang phải đối mặt. Ban soạn thảo khẳng định, các quy định mới này đều tương đối khó và nhạy cảm nhưng việc phân cấp trách nhiệm kèm theo cơ chế hậu kiểm nghiêm ngặt sẽ mang lại lợi ích lâu dài là tăng uy tín của chính quyền Thủ đô, cải thiện hệ thống giao thông, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư và khách du lịch…


Luật Thủ đô có hiệu lực sẽ góp phần thúc đẩy Hà Nội phát triển nhanh, bền vững. Ảnh Trà My

Nhiệm vụ cấp bách

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị mong muốn sớm ban hành Luật Thủ đô để tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển nhanh, bền vững trước yêu cầu CNH, HĐH đất nước ngày càng cao hiện nay. Bí thư Thành ủy khẳng định, Hà Nội có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh, từ văn hóa đến lịch sử, nhất là sau khi mở rộng, nên Luật Thủ đô cần được xây dựng nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho thành phố phát huy tốt nhất tiềm năng và thế mạnh để phát triển bứt phá. Mặt khác, để tạo đột phá trong quản lý, dự luật phải phản ánh được tư duy mạnh dạn hơn nữa trong phân cấp, phân quyền, tăng trách nhiệm cho Hà Nội, đây là nhiệm vụ cấp bách. Với cơ chế do dự luật đặt ra hiện nay, nếu Hà Nội lạm quyền, Chính phủ sẽ không cho phép. Bí thư Thành ủy cũng lưu ý việc xây dựng những quy định mang tính đặc thù của Luật Thủ đô phải phân định rõ ràng giữa cái chung và cái riêng, không tuyệt đối hóa, cũng không cường điệu hóa; quan trọng nhất là bảo đảm tính khả thi cao, tất cả vì mục tiêu xây dựng Thủ đô - "Trái tim của cả nước", đô thị đầu não quốc gia văn minh và hiện đại. Ban soạn thảo phải kiên quyết bảo vệ các chính kiến phù hợp với đặc thù Hà Nội trong dự thảo luật.

Trao quyền chủ động trong việc xử lý các hành vi vi phạm là giải pháp giúp thành phố giải quyết nhiều thách thức, trong đó có nạn ùn tắc giao thông. ảnh: phương an

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: "Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều vấn đề thực tiễn phát sinh nhưng chưa có quy định pháp luật để điều chỉnh. Nếu không có giải pháp kịp thời để xử lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan. Đặc biệt, với tình hình người vi phạm giao thông nhiều như hiện nay, không thể viện lý do dân nghèo để không phạt nặng mà phải phạt nặng để người tham gia giao thông ý thức hơn, từ đó có ít người bị phạt".

Trong 18 chính sách, cơ chế đặc thù cho việc xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, có nhiều quy định được dư luận chú ý. Nổi bật như dự luật đề nghị không xây dựng mới các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, một số trường học, bệnh viện; không mở rộng diện tích, quy mô của các bệnh viện trung ương hiện có ở nội thành. Hà Nội được giữ lại toàn bộ khoản thu ngân sách vượt dự toán để phát triển Thủ đô. Về quản lý dân cư, dự luật đề nghị giao Chính phủ ban hành quy định về điều kiện cư trú ở nội thành phù hợp với quy mô, mật độ, cơ cấu dân cư theo quy hoạch chung của Thủ đô. Liên quan tới quản lý giao thông đô thị, dự luật đề nghị, giao HĐND TP Hà Nội ban hành quy định về thu phí lưu thông đối với một số phương tiện giao thông ở nội thành. Ngoài ra, nhằm tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn trên địa bàn Thủ đô, dự luật cho phép áp dụng mức xử phạt tiền cao hơn đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành (các hành vi phổ biến và gây bức xúc trong nhân dân).
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mục đích là để Hà Nội phát triển đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.