(HNM) - Tại buổi làm việc với Công ty CPHH Vedan Việt Nam vào ngày 20-7, UBND huyện Cần Giờ đã đưa ra con số cuối cùng để đền bù thiệt hại cho nông dân trong huyện là 32 tỷ đồng.
Vedan lại mặc cả!
Vào đầu buổi họp, ông Yang Kun Hsiang, Tổng Giám đốc Công ty Vedan cho rằng, đã qua 10 tháng thương lượng, nhưng Vedan vẫn chưa được tham gia cùng Viện Môi trường và Tài nguyên (MT&TN) trong việc xác minh và thống kê thiệt hại. Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh rất bức xúc với đại diện công ty, vì Hội đã mời hai lần nhưng Vedan từ chối không tham gia với lý do không sắp xếp được thời gian!
Còn ông Trần Văn Khanh, luật sư của Vedan khẳng định công ty không trốn tránh việc đền bù cho nông dân. Tuy nhiên, theo pháp luật, muốn bồi thường thì phải chứng minh được thiệt hại, trong khi đó gần 900 lá đơn của nông dân gửi đến Vedan đều không có chứng cứ bị thiệt hại nên khó có thể giải quyết! Còn về trách nhiệm làm ô nhiễm sông Thị Vải, ông Khanh viện dẫn là không chỉ Vedan xả thải mà còn nhiều doanh nghiệp khác. Và con số đền bù trong 14 năm là không thực tế, vì không nhà máy nào khi xây dựng đã đạt được ngay công suất cực đại, vì vậy phải tính thiệt hại từng năm rồi cộng lại (năm 1994 đến 2008). Tiếp đó, ông Khanh còn viện dẫn thời hiệu khiếu kiện của Bộ luật Tố tụng dân sự và cho rằng chỉ bồi thường trong 2 năm!
Cách "câu giờ" và không thiện chí của Vedan như nhiều cuộc họp trước đây khiến các đại biểu dự họp hết sức bất bình.
Chốt con số 32 tỷ đồng
Ông Yang Kun Hsiang nói rằng, Vedan mong muốn được thương lượng chứ không đưa ra tòa. Vì vậy, bên Vedan đã tính toán lại, theo đó con số có thể thỏa thuận đền bù cho nông dân huyện Cần Giờ là hơn 12 tỷ đồng (trước đây Vedan cho rằng chỉ gây thiệt hại cho nông dân huyện Cần Giờ là 1,781 tỷ đồng, nhưng vì muốn duy trì mối quan hệ thân thiện nên đưa ra mức "hỗ trợ" 7 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Viện MT&TN giữ quan điểm cần giữ nguyên con số 45,7 tỷ đồng phải bồi thường vì đã có cơ sở tính toán khoa học. Ông Hùng chỉ cho Vedan thấy sự khác nhau giữa thời hiệu khiếu kiện và thời gian gây thiệt hại mà Vedan cố "vin" vào để không đền bù 14 năm cho nông dân. Việc Vedan cho rằng không chỉ duy nhất mình là tác nhân gây ô nhiễm sông Thị Vải cũng đã được tính toán và khoa học đã chứng minh Vedan "góp phần" làm chết sông Thị Vải đến 93%.
Ông Đoàn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ không đồng ý cách tính toán của Vedan về diện tích mặt nước bị ô nhiễm, mật độ loài cá và giá thành bình quân sản phẩm. Theo đó, mật độ loài cá phải là 77,72 tấn/km2 thay vì 14,79 tấn/km2 như Vedan tính. Số liệu này tính toán trên cơ sở nông dân xã Thạnh An đánh bắt 4.000 tấn cá/năm, trong khi đó môi trường nước chưa bằng năm 1993 và cá năm đó có thể nhiều hơn. Còn theo cách tính của Vedan thì mỗi ngư dân làm một tháng chỉ có 2kg cá! Ông đề nghị Vedan phải có trách nhiệm bồi thường cho nông dân Cần Giờ 32 tỷ đồng. Đây là con số được tính toán dung hòa giữa Viện MT&TN và Vedan. Cụ thể, giữ nguyên vùng ảnh hưởng ô nhiễm mà Viện MT&TN đã tính toán. Riêng giá trị đánh bắt thì dung hòa giữa cách tính của Viện TN&MT và Vedan là 45.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, Vedan lại "cò kè" đề nghị thêm một buổi làm việc nữa. Hội Nông dân và UBND huyện Cần Giờ đã thống nhất sẽ cho Vedan "thêm một cơ hội" vào buổi làm việc ngày thứ năm tới tại huyện Cần Giờ, tuy nhiên, mức 32 tỷ đồng là mức cuối cùng không thể thay đổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.