(HNM) - Cuối năm 1974 đầu 1975, tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi nhanh chóng theo hướng có lợi cho cách mạng. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp vào tháng 10-1974 và tháng 1-1975 quyết định mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976,
Tướng Dương Văn Minh trước khi tuyên bố đầu hàng tại Đài Phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30-4-1975, ông Nguyễn Hữu Thái là người cầm tập giấy, đứng thứ 2 từ phải qua. Ảnh: Kỳ Nhân |
Tết chia ly…
"Mùng một Tết Ất Mão 1975, tôi với vỏ bọc của mình phải đứng bên hàng ngũ địch. Ngồi bên dòng sông Thạch Hãn nhìn đồng đội bên kia sông mà cảm giác buồn không thể nào tả nổi", bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy (bí danh Năm Quang), nguyên Cụm phó Cụm tình báo chính trị A10 (thuộc Ban An ninh T4 Sài Gòn - Gia Định) xúc động khi nhớ lại chuyện cũ. Khi đó, bác sĩ Khánh Duy đang là Đại úy bác sĩ Tiểu đoàn 6 (Tiểu đoàn Thần ưng quyết tử) của Sư đoàn Thủy quân lục chiến, đóng quân ở Cổ Thành. "Lúc đó, tôi chưa biết kế hoạch giải phóng miền Nam của Bộ Chính trị, nhưng tôi vẫn dự đoán quân giải phóng sẽ có trận đánh lớn vì năm 1976 là bầu cử Tổng thống Mỹ". Chính vì vậy, trước Tết bác sĩ Khánh Duy đã đi phép về Sài Gòn để chỉ đạo cơ sở. Ông đã yêu cầu Huỳnh Bá Thành (bí danh Ba Trung) - họa sĩ Ớt, lúc đó đang là Giám đốc kỹ thuật kiêm Thư ký tòa soạn Báo Điện Tín (cơ quan ngôn luận chính thức của nhóm Dương Văn Minh) đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu đấu tranh dân sinh dân chủ trên báo chí để người dân phản đối chiến tranh; chỉ đạo anh em tình báo ở các lõm chính trị tác động để người dân uất ức với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu; nắm tình hình Mỹ cắt viện trợ và những tác động xã hội để truyền thông tin về chiến khu…
Theo Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-1964), thành viên Cụm Điệp báo A10 thì Tết Ất Mão 1975 là cái Tết bi quan của người dân Sài Gòn. Cuộc sống người dân vốn phụ thuộc vào viện trợ của Mỹ rơi vào khó khăn khi "bầu sữa" teo dần. Bên cạnh đó, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu lại ra tay bắt bớ khiến người dân đón một cái Tết trong bất an, lo lắng… "Tôi bị chính quyền Sài Gòn bắt giam lần thứ ba trước ngày ký kết Hiệp định Paris do bị tố cáo là thuộc thành phần thứ ba thân Cộng. Khi ra tù năm 1974, tình hình đã biến chuyển nhanh theo hướng chấm dứt chiến tranh. Chính quyền Sài Gòn ráo riết đàn áp phe phái đối lập và những người kêu gọi hòa bình hòa giải dân tộc nên tôi phải rút lui vào hoạt động bí mật. Vì vậy những ngày Tết này tôi phải luôn trong tình trạng trốn tránh", ông Thái kể. Do nguyên tắc bí mật, chúng tôi không được biết về kế hoạch chiến dịch Mùa xuân năm 1975, tuy nhiên trong thời gian này ông nhận được mệnh lệnh từ cấp trên yêu cầu tìm hiểu thông tin từ các nguồn để trả lời câu hỏi: Nếu "Việt cộng" đánh lớn thì Mỹ có can thiệp trở lại hay không? "Đây là câu hỏi rất lớn với những người hoạt động tình báo, tôi đã chấp hành mệnh lệnh và làm việc. Đến tháng 3, chiến dịch Buôn Mê Thuột mở ra thì tôi mới biết rõ hơn về chiến dịch", ông Thái cho biết thêm.
Ông Võ Vân (bí danh Ba Vũ, cháu của nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công) cũng là một điệp báo A10 đón Tết "yên ấm" hơn dưới vỏ bọc của một sinh viên. Ông Võ Vân trực tiếp hoạt động dưới sự chỉ huy của Cụm phó A10 Huỳnh Huề (Ba Hoàng), phụ trách lõm chính trị Bảy Hiền với địa bàn rộng lớn gồm Phi trường Tân Sơn Nhất, Cục Cảnh sát Tân Bình, Tiểu đoàn dù Hoàng Hoa Thám, Cư xá Bắc Hải của các sĩ quan cao cấp, Cục Cảnh sát Quốc gia. Nhiệm vụ của ông là xây dựng lực lượng nòng cốt trong nhân dân tại lõm chính trị Bảy Hiền và khai thác tin tình báo chuyển về căn cứ. Tết Ất Mão 1975 ông Võ Vân không về quê ở Quảng Nam - Đà Nẵng mà ở lại Sài Gòn đi học bình thường để thực hiện nhiệm vụ tình báo của mình. Cũng trong những ngày này, ông nhận chỉ đạo từ cấp trên tập hợp quần chúng và may cờ để chuẩn bị cướp chính quyền. "Đất nước chiến tranh lửa đạn, chúng tôi đón cái Tết trong đau xót và không hề biết rằng ngày độc lập đã gần kề", ông Vân xúc động.
Mùa Xuân hạnh phúc
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã đi vào lịch sử với thắng lợi đầu tiên là Chiến dịch Tây Nguyên (từ 10-3-1975 đến 24-3-1975), sau đó là thắng lợi của chiến dịch Huế - Đà Nẵng (từ 19 đến 29-3-1975). Ngày 26-4-1975, các cánh quân lớn phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nổi dậy, nhất loạt tấn công địch với sức mạnh vũ bão tiến về Sài Gòn. Với sự tác động của cụm điệp báo A10 mà trực tiếp là đồng chí Huỳnh Bá Thành, Tổng thống Dương Văn Minh đồng ý án binh bất động và tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Đúng 11h30 ngày 30-4-1975, lá cờ Cách mạng đã được cắm trên nóc Dinh Độc lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam đã được giải phóng.
Trong ngày 30-4-1975, ông Nguyễn Hữu Thái đã tham gia hai sự kiện lịch sử, cùng Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cắm cờ lên Dinh Độc lập và là "phát thanh viên" bất đắc dĩ trong thời khắc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Ông cho biết, đây là hai thời khắc mang lại cho ông nhiều cảm xúc nhất, vì đó là thời điểm mà ông biết chắc chắn rằng đất nước đã hòa bình, độc lập.
Sau khi giải phóng Đà Nẵng, vì bí mật là nguyên tắc nên bác sĩ Khánh Duy đã ra trình diện với Ủy ban Quân quản Đà Nẵng như một sĩ quan chế độ cũ và sau ngày 30-4-1975 ông lại tiếp tục đi… học tập cải tạo 6 tháng ở Trảng Lớn (Tây Ninh) để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Hiện người chiến sĩ tình báo ngày xưa lại lao vào cuộc chiến mới, giúp đỡ những mảnh đời sa vào cạm bẫy của cái chết "trắng", giúp đỡ những thanh niên lầm lạc vì nghiện ngập trở về với cuộc sống cộng đồng. Cuộc nói chuyện với chúng tôi liên tục bị ngắt quãng vì ông phải xử lý hàng loạt công việc liên quan đến Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa mà ông đang là người đứng đầu. Nhiều năm qua, cái Tết của ông gần như ở trung tâm này, với bác sĩ Khánh Duy, khát vọng được cống hiến hết mình cho xã hội chưa bao giờ tắt trong ý nghĩ của ông.
40 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người tình báo năm xưa đã có thể tận hưởng cái Tết an nhàn nhưng trong họ vẫn đau đáu những nỗi niềm. Là một người đã đi nhiều nơi trên thế giới, Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái luôn trăn trở vì đất nước phát triển còn chậm so với mong muốn của nhân dân. Ông Võ Vân tâm tư, sau 40 năm giải phóng, đất nước đã có bước phát triển vượt bậc nhưng trong đội ngũ cán bộ, công chức vẫn còn một bộ phận vì quyền lợi của mình làm mất lòng tin của nhân dân. Ông mong muốn Đảng và Nhà nước có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để đất nước ngày càng phát triển, giàu đẹp hơn như lòng mong muốn của Bác Hồ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.