Văn nghệ

Đại tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Minh Quang: Góc nhìn độc đáo về người lính

Như Nguyên 21/12/2024 11:20

Dành cả cuộc đời cho công tác văn hóa văn nghệ trong quân đội, Đại tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Minh Quang, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã có mặt trên mọi nẻo biên cương, biển đảo để mang lời ca, tiếng hát động viên người chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ.

Chính đời sống tinh thần phong phú của người lính đã trở thành nguồn cảm hứng để ông sáng tác nên những giai điệu mộc mạc, chân thành, thể hiện ý chí kiên cường, tâm tư và tình cảm của các chiến sĩ dành cho Tổ quốc.

minh-quang.jpg

1. Hiếm ai được như Đại tá Minh Quang khi ông thành danh trong cả vai trò nghệ sĩ biểu diễn lẫn người sáng tác (Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật). Ông sở hữu chất giọng trầm ấm, có “lửa” như nhận xét của nhạc sĩ Đoàn Bổng. Tác giả bài hát “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” khẳng định: “Thông thường ca sĩ chỉ giỏi việc ca hát, nhạc sĩ chỉ giỏi việc sáng tác, còn được cả hai như Minh Quang là rất hiếm. Những ca khúc do Minh Quang thể hiện đậm chất trữ tình, giàu cảm xúc và uyển chuyển, được ví như “cầu nối” giữa người sáng tác và ca sĩ. Đặc biệt, trong các ca khúc về người lính, anh đã mang đến một phong cách gần gũi, chứa đựng hơi thở cuộc sống chân thực. Chính tiếng hát ấy đã trở thành nguồn động viên mạnh mẽ, tiếp thêm niềm tin và ý chí cho người lính trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc cũng như trong nhiệm vụ canh giữ biên cương và hải đảo sau này”.

Chất giọng thiên phú ấy có lẽ được rèn giũa từ khi ông còn là diễn viên kịch ở Đoàn Kịch Thanh Hóa. Tuy nhiên, bước ngoặt đưa ông đến với âm nhạc lại đến từ một lời khuyên của đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Đào Mộng Long. Trong một lần xem ông biểu diễn, NSND Đào Mộng Long nhận xét: “Cậu diễn tốt đấy, nhưng để đi xa thì có lẽ hơi khó”. Tuổi trẻ nhiều ước mơ, hoài bão, thế nên sau khi nhận “gáo nước lạnh”, lòng “tự ái” nổi lên, ông quyết tâm khám phá năng khiếu tiềm ẩn của bản thân. Và, âm nhạc đã chọn ông. Ông chuyển ra Hà Nội công tác tại Đoàn Nghệ thuật Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) và rồi đi học tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Cũng từ đây, ông dần trở thành ca sĩ chủ lực của Đoàn, được cử đi biểu diễn ở khắp các chiến trường.

2. Được ăn ngủ, sinh hoạt cùng các chiến sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc, nhạc sĩ Minh Quang hiểu người lính đang cần gì ở những tiết mục văn nghệ. Thế là, ông bắt tay vào sáng tác và “Hoa sim biên giới” (viết chung với anh trai - nhà thơ Đặng Ái) ra đời. Nhạc sĩ Minh Quang nhớ lại: “Trong chuyến công tác lên biên giới phía Bắc (mùa thu năm 1979), cánh lính trẻ sau khi nghe các nghệ sĩ hát đã đề nghị: “Các chú, các anh lần sau lên biên giới nhớ cho chúng cháu nghe những bài hát mới”. Lời đề nghị thân thương ấy đã tạo “áp lực” để tôi phải sáng tác ngay bài hát dành tặng họ. Thật may là cảnh đã sinh ra... nhạc. Chiều hôm ấy, khi biên giới ngơi tiếng súng, không gian yên lặng, tôi đứng nhìn từ ngọn đồi này qua ngọn đồi kia, ở giữa hai ngọn đồi ấy là một thảm hoa sim tím ngắt. Tôi chợt thấy, sắc hoa tím ngắt kia đúng như nỗi nhớ da diết của người lính về gia đình, về quê hương, để rồi câu hát “Nếu em lên biên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa” ra lời mở đầu cho bài”.

Nối tiếp thành công của “Hoa sim biên giới”, được sự động viên của bạn bè, đồng nghiệp, nhạc sĩ Minh Quang tiếp tục sáng tác một số ca khúc về người lính, như “Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara” (lấy nguồn cảm hứng từ biên giới phía Tây Nam) rồi “Cây đàn ghi ta một dây”... Đây là bài hát với giai điệu vui tươi, lời ca mộc mạc, được các cán bộ, chiến sĩ rất yêu thích. Ca khúc ra đời trong một đêm giữa quần đảo Trường Sa khi chứng kiến hình ảnh những người lính đảo đốt lửa và giao lưu văn nghệ với nhạc cụ là nồi, niêu, xoong, chảo và một cây đàn guitar chỉ còn duy nhất một dây. Xúc động trước cuộc sống của người lính đảo dù thiếu thốn đủ bề nhưng vẫn lãng mạn, yêu đời, say mê âm nhạc, ngay lập tức ông viết lời ca: “Chỉ lính đảo xa mới có/ Đàn ghi ta một dây/ Chỉ lính đảo xa mới hát/ Với đàn ghi ta một dây/ Hát cho hoàng hôn xuống/ Hát cho mặt trời lên...”.

Cũng là người lính cùng thời với nhạc sĩ Minh Quang, Thượng tá, nhạc sĩ Ngọc Khuê, tác giả bài hát nổi tiếng “Mùa xuân làng lúa, làng hoa” khẳng định: “Khi được nghe ca khúc “Cây đàn ghi ta một dây”, tôi thật sự bất ngờ, bài hát hay, tiết tấu trẻ trung, sôi nổi, đúng với chất hồn nhiên, yêu đời của những chàng lính trẻ trên quần đảo Trường Sa. Một điều mà những người sáng tác rất quan tâm là việc phát hiện đề tài. Chỉ bằng sự quan sát của nhạc sĩ mà từ một cây đàn guitar, lẽ ra phải đầy đủ 6 dây, thì cây đàn của lính đảo, trải qua nắng mưa, thời gian và sự thiếu thốn “vật tư” mà bây giờ chỉ còn một dây. Đúng là “Chỉ lính đảo xa mới có”. Chỉ từ những điều hết sức giản dị ấy mà “Cây đàn ghi ta một dây” trở thành “tài sản” của những người lính đảo”.

Góc nhìn âm nhạc của nhạc sĩ Minh Quang rất độc đáo. Ông luôn đi từ những điều giản dị để khẳng định sự lãng mạn, lạc quan của người lính. Ông đi sâu vào thế giới nội tâm của họ, luôn đáp ứng nhu cầu tinh thần của họ để bù đắp những thiếu thốn về mặt tình cảm với gia đình, người thân, người yêu. Chính phong cách âm nhạc này của ông thời ấy đã khiến không ít người lo lắng, sợ sự ủy mị sẽ ảnh hưởng phần nào đến tinh thần của người lính giữa cuộc chiến đấu ác liệt. Thế rồi, những bài hát của ông vẫn được người lính hát vang trên khắp các chiến trường như một lời khẳng định về sức sống bền bỉ, dài lâu của ca khúc. Nhiều lần chia sẻ với báo giới, ông khẳng định: “Người lính cần một khoảnh khắc tĩnh lặng, một màu tím, một điệu múa để ru lòng sau những đau thương và mất mát. Đó là nhu cầu rất đỗi bình thường của con người”.

3. Đã ngoài 70 tuổi, song vẫn thấy ở đâu đó trong các hội nghị, cuộc gặp gỡ hay sinh hoạt tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội, giọng ca Minh Quang vang lên trầm hùng, hào sảng. Giữ được sức khỏe, sự dẻo dai của tinh thần lính, ông vẫn đi nhiều, hát khỏe, sáng tác đầy mê đắm. Mới đây, ông vượt qua nhiều tác giả khác để giành giải B mảng sáng tác ca khúc (không có giải A) trong Cuộc thi sáng tác nghệ thuật về thành phố Hải Dương do UBND thành phố Hải Dương tổ chức, với ca khúc “Thành Đông rạng ngời thu” (thơ Đình Long).

Hiện nay, nhạc sĩ Minh Quang đang sống trên “phố nhà binh” Lý Nam Đế (Hà Nội) với người vợ thân yêu và cũng là một người lính: Đại tá, NSƯT, biên đạo múa Tuyết Mai. Nơi này cũng có những người hàng xóm là những người cùng thời quân ngũ với ông. Cả cuộc đời gắn bó với quân đội, tên tuổi của ông đã được các cấp lãnh đạo trong quân đội và người lính ở nhiều thế hệ biết đến, yêu quý và trân trọng. Ông luôn tự hào khi mình là người lính, được cống hiến tài năng, sức lực, trí tuệ của mình cho Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tá, nhạc sĩ, NSƯT Minh Quang (tên thật là Đỗ Minh Quang) sinh năm 1951 tại Thanh Hóa. Ông từng theo học chuyên ngành sáng tác, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) và hiện là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông từng nhận giải thưởng 5 năm của Quân chủng Hải quân với ca khúc “Khát vọng biển khơi” (năm 2011), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2012). Tháng 12-2015, ông cùng hai nhạc sĩ quân đội khác là Thiếu tướng Đức Trịnh và Thượng tá Ngọc Khuê được tôn vinh trong chương trình nghệ thuật “Tình yêu Hà Nội” do Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức. Năm 2016, NXB Quân đội nhân dân đã tuyển chọn 81 ca khúc tiêu biểu của ông để in trong sách nhạc “Hoa sim biên giới”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đại tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Minh Quang: Góc nhìn độc đáo về người lính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.