Các nhà nghiên cứu sân khấu như Minh Quang, Trần Việt Ngữ đều khẳng định rằng những trò hát múa dân gian là tiền thân của sân khấu kịch hát dân tộc Việt mà mãi đến sau này với phân thành Tuồng, Chèo, Trò nhại, tiền thân của nghệ thuật kịch câm ở nước ta cũng đã có từ thời Đinh mà tổ sư của nó là Đào Văn Xó cũng như tổ sư của nghề hát múa là Phạm Thị Chân...
Ngay từ khi nhà Lý định đô ở Thăng Long, Lý Thái Tổ đặt ra chức quản giáp cho những người hát múa phục vụ ở làng xã. Theo sách "Khởi đầu sự lục" ca nhi nam gọi là kép, ca nhi nữ gọi là đào. Các nhà nghiên cứu sân khấu như Minh Quang, Trần Việt Ngữ đều khẳng định rằng những trò hát múa dân gian là tiền thân của sân khấu kịch hát dân tộc Việt mà mãi đến sau này với phân thành Tuồng, Chèo, Trò nhại, tiền thân của nghệ thuật kịch câm ở nước ta cũng đã có từ thời Đinh mà tổ sư của nó là Đào Văn Xó cũng như tổ sư của nghề hát múa là Phạm Thị Chân. Đến thời Trần có hai nghệ nhân người Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy sự hình thành của sân khấu Tuồng Việt Nam là Lý Nguyên Cát và Đinh Bằng Đức. Lý Nguyên Cát là một tù binh, được dùng vào việc dạy hát múa cho một số đào kép của ta trong quá trinh dựng vở "Tây Vương Mẫu hiến bàn đào". Múa tứ khúc nhà Nguyễnđược du nhập vào tuồng Bắc kể từ đấy. Như vậy múa là một thành tố của kịch hát dân tộc Việt và dần dần được hình thành hai hệ thống động tác riêng biệt tạo nên phong cách của Tuồng và Chèo. Hát bỏ bộ (mà ngày nay còn tìm thấy ở hát ca trù vùng Lỗ Khê) là một thủ pháp biểu hiện được sân khấu chèo khai thác để múa thực hiện chức năng minh họa cho lời hát. Mặt khác ngôn ngữ múa cũng thông báo được sự hiện diện của một loại hình kịch hát dân tộc Việt. Chẳng những múa dân gian mà múa gắn với các lễ thức tín ngưỡng và tôn giáo như "Chèo đò dẫn vong" cũng được khai thác trong Chèo.
Khi sân khấu Chèo có nhân vật vua quan như trong "Tống Trân - Cúc Hoa" hoặc lấy tích truyện Trung Quốc như "Hán Sở tranh hùng" thì múa Chèo vay mượn một số yếu tố múa tuồng để thể hiện những nhân vật vua quan văn võ, những cuộc đao binh. Việc nhà Nguyễn dời đô vào Huế không ảnh hưởng gì đến những hoạt động chèo ở Hà Nội. Không chỉ riêng gì ở ngoại thành mà ở nội thành vẫn chưa có rạp cố định vì hồi đó các quan còn gọi các phường chèo đến diễn tại tư thất như Hoàng Cao Khải chẳng hạn theo lệ ăn cơm ở nhà dưới, còn diễn ở nhà trên. Hồi ấy rạp hát cũng chưa có sân diễn mà chỉ là một mảnh đất diễn có mái che tạm bợ. Đến cuối thế kỷ XIX Hà Nội mới có thêm nhiều rạp hát như: rạp chợ Hôm, rạp Đồng Lạc, rạp Hàng Chuối, rạp Năm Chăn, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả Hà Nội. Ở ngoại thành, ngoài những buổi diễn trong hội làng, còn có hình thức diễn lẻ của một vài nghệ nhân được mời riêng về nhà và tiếp đãi tử tế.
Đầu thế kỷ XX, Chèo văn minh ra đời để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của đông đảo công chúng Hà Nội. Ở chèo văn minh và chèo cải lương nổi lên vai trò Bác thơ. Đó là người nghĩ ra tích trò, đặt các câu hát và đứng sau màn nhắc lời cho diễn viên.
Nguyễn Đình Nghệ là một bác thơ muốn cải cách sân khấu chèo theo lối diễn kịch, vì thị hiếu công chúng Hà thành đương thời. Muốn có cái mới trong Chèo, ông chia vở diễn thành màn, cảnh, lớp và dùng màn phụ để giải quyết những lớp mà nhân vật đi đường. Để tăng tính kịch cho vở diễn, Nguyễn Đình Nghệ bỏ xưng danh, bỏ nói sử và múa. Do đó các nghệ sĩ chèo cải lương ở Hà Nội hồi đó đã tước bỏ phần múa của vở diễn từ những múa thể hiện thời gian và không gian hành động sân khấu (thông thường bằng múa dân gian được sân khấu hóa) đến những múa khắc họa tính cách nhân vật. Những điệu bộ động tác của các vai diễn đều là những động tác sinh hoạt đời thường chưa được cách điệu hoá như trong chèo cổ.
Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thị Minh Lý, trong một cuộc họp của Ban Nghiên cứu Chèo, đã kể rằng khi diễn Chèo cải lương, do không được múa hoặc làm động tác cách điệu, bà chẳng biết để tay vào đâu, thành thử ở vai nào bà cũng cầm khăn mùi xoa bằng hai tay cho đỡ ngượng.
Vấn đề bỏ múa ở đây có hai mặt. Việc tạo ra động tác hình thể cho hệ thống nhân vật mới của Chèo cải lương không phải là sở trường của Nguyễn Đình Nghệ. Mặt khác ông chưa nhận thấy rằng nếu biết cách làm múa cho một vở chèo, kể cả chèo về đề tài hiện đại, thì phần múa không hề ảnh hưởng đến tính kịch của vở diễn. Xét từ góc độ nghệ thuật biên đạo, sự chưa nhận rõ khả năng biểu hiện của múa trong chèo (cho dù cổ hay kim) là một hạn chế về nghệ thuật của Nguyễn Đình Nghệ, cho nên khi nói đến vai trò cách tân của ông đối với sân khấu chèo, có sự đánh giá khác nhau do sự xem xét vấn đề cống hiến ấy ở nhiều góc độ khác nhau như văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật.
Chèo cải lương không đứng lâu trên sân khấu Hà Nội và tàn lụi dần trong những năm tháng Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.
Sân khấu Chèo ở Hà Nội từ thế kỷ XIV đã kế thừa và phát triển truyền thống múa dân gian dân tộc Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chẳng những thế nó còn khai thác nhữngmúa lễ thức của tín ngưỡng và tôn giáo như múa phù thủy, múa chạy đàn... Quá trình sân khấu hóa múa dân gian và múa tôn giáo là quá trình phát triển múa Chèo ở Hà Nội để thể hiện hình tượng nhiều nhân vật chính diện và phản diện. Được kết hợp với những yếu tố kịch câm (từ những trò nhại) múa dân gian trong chèo trở thành múa hành động thể hiện một tình tiết kịch. Những vở chèo cổ để lại một số trích đoạn múa đặc sắc.
Ở Hà Nội có những diễn viên diễn cả Chèo lẫn Tuồng như các nghệ sĩ Nguyễn Văn Thịnh, Tống Văn Ngũ, Dịu Hương. Hà Nội là một trung tâm tuồng Bắc và tuồng có ảnh hưởng một phần đến chèo về phương diện múa.
Trong tiến trình lịch sử của sân khấu kịch hát dân tộc Việt, về phương diện múa, không có sự loại trừ nhau mà trái lại, có sự bổ sung cho nhau về phương tiện biểu hiện. Sau cách mạng tháng Tám, múa Chèo ở Hà Nội phát triển thêm một bước nữa.
GS. TS. Lâm Tô Lộc
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.