Góc nhìn

Mùa thu cách mạng

Nguyễn Sĩ Đại 19/08/2024 11:07

Mùa thu lại về.
Người Việt Nam quen nhìn trời đất cỏ cây để nghe nhịp mùa đi. Mùa nào, thức ấy. Khi hoa gạo đơm bông, đỏ chói một góc trời, ấy là những ngọn đèn báo hạ. Trên con đường làng, “bỗng nhận ra hương ổi/ phả vào trong gió se” (Hữu Thỉnh), ấy là thu đến.

z5735609584423_607431b208485c54bc8cdbdc1ad8b41a.jpg
Cuộc biểu dương lực lượng vũ trang giành chính quyền ngày 19-8-1945 trước Nhà hát Lớn. Ảnh: Tư liệu

Trời đất có bốn mùa. Mùa xuân để cho người ta trổ bừng sức sống, tích tụ năng lượng cho cả một năm dài. Mùa hè là mùa để người ta yêu và sống hết mình với cường độ lửa, và cùng với mùa đông, thử thách sự chịu đựng của con người; để con người biết sự nhỏ nhoi, giới hạn của mình trước thiên nhiên.

Còn mùa thu là mùa thật đặc biệt. Mùa ngọt đằm của các loại quả, nồng thắm của các loài hoa. Người ta không còn biết màu vàng của nắng thu là từ hoa quả ánh lên hay nắng tìm vào hoa quả mà phơi màu khoe sắc. Không còn biết trời xanh làm cho nước xanh hay nước xanh, lá xanh, cỏ xanh làm rợn những chân trời. Mùa này mới có cái gọi là thinh không, bầu trời và lòng người mở hết chiều kích.

Nếu mùa xuân là thi nhân thì mùa thu là triết gia. Mọi cảm xúc, sự lý ở đời đều được soi sáng trong tương quan của một hệ thống, mùa của sự lắng lại, nghĩ suy. Mùa của cái đẹp và những nỗi sầu nhân thế không dứt. Khi người ta càng cảm nhận được cái đẹp, người ta càng buồn vì đổi thay, vì phi lý, vì đời người ngắn ngủi, vì những tàn phá vô tình.

Thơ thu xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp nhưng cũng chất ngất những nỗi sầu đau. Bạch Cư Dị có một bến Tầm Dương: “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách/ Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu”. Nguyễn Du có một rừng quan san: “Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”. Đặng Trần Côn mang nỗi niềm chinh phụ: “Sương như búa bổ mòn gốc liễu/ Tuyết dường cưa xẻ héo cành ngô/ Giọt sương phủ bụi chim gù/ Sâu tường kêu vẳng, chuông chùa nện khơi”. Bà Huyện Thanh Quan chìm trong tang thương giữa một mùa thu: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương/ Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/ Nước còn cau mặt với tang thương”. Mà thật lạ, Lưu Trọng Lư từng như “Con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô”, như trước đó Nguyễn Khuyến cũng từng ngơ ngác: “Một tiếng trên không ngỗng nước nào”. Mà lạ hơn nữa, nhà thơ phương Đông Đỗ Phủ từng như “Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ” thì nữ thi sĩ người Anh Christina Rossetti (1830 - 1894) trước mùa thu càng cảm thấy cô đơn vô hạn. Trong bài thơ “Từ hoàng hôn đến khi sao mọc” (From Sunset to Star Rise), nhìn những đàn chim nhạn bay biền biệt vào mùa hè xưa cùng với bạn bè thân yêu cũ không bao giờ trở lại mà bà cảm thán: “I live alone, I look to die alone” (Ta sống cô đơn và sẽ chết cô đơn).

Có ông vua như Lưu Triệt (Hán Vũ đế), khi gió thu khởi, nhớ người yêu đã có bài thơ tuyệt hay:

“Thu phong khởi hề bạch vân phi
Thảo mộc hoàng lạc hề nhạn nam phi
Hoài giai nhân hề bất năng vong
Hoan lạc cực hề ai tình đa
Thiếu tráng kỷ thời hề nại lão hà”.

(“Gió thu nổi chừ, mây trắng bay
Nhạn lướt về nam chừ, cây vàng rơi
Người đẹp ơi ta nhớ chừ, không quên được
Vui sướng cùng cực chừ, càng bi ai
Tuổi trẻ qua mau chừ, làm gì đây?”).

Tóm lại, những sầu đau, ngơ ngác ấy đến từ nhiều nỗi, nhưng xét kỹ ra, nỗi lớn nhất là nỗi mất nước, mất nhà, mất tuổi trẻ, mất tình yêu và lý tưởng.

Xuân Diệu trước Cách mạng Tháng Tám còn thấy mùa thu héo úa, chết chóc trên từng tóc liễu:

“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới - mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng

Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.

Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mờ
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò”.

(“Đây mùa thu tới”)

***

Ngày xưa, mùa thu nào cũng sâu, nhưng mùa thu nào cũng buồn. Mỗi người một chân trời, chân trời nào dường như cũng cô đơn. Phải đến mùa thu cách mạng, tôi mới gặp trong cuộc sống, trong thơ Tố Hữu bầu trời chung giải phóng, mỗi chân mây, ngọn cỏ đều muốn reo ca:

“Tháng Tám mùa thu xanh thắm
Mây nhởn nhơ bay
Hôm nay ngày đẹp lắm!
Mây của ta, trời thắm của ta
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa!
Đã tan tác những bóng thù hắc ám
Đã sáng lại trời thu tháng Tám
Trên đường ta về lại Thủ đô
Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ...”.
(“Ta đi tới” - Tố Hữu)

Mùa thu tháng Tám, mùa thu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn đây, tỏa bóng sáng xuống mọi cuộc đời. Mùa thu ấy nâng bước cả dân tộc lớn dậy, hào sảng đi lên, trong đó có mỗi chúng ta. Mùa thu nhắc rằng, đừng bao giờ quên con đường và hàng cây, ánh dương và lá cờ mọc lên và đang vẫy gọi chúng ta từ khát vọng tự do, tới khát vọng tự do, khát vọng làm vẻ vang non sông Việt Nam yêu dấu, đừng bao giờ để phai nhạt niềm tin và tráng khí của buổi đầu cách mạng.

“Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”.
(“Đất nước” - Nguyễn Đình Thi)

Niềm vui ấy, năng lượng ấy của Cách mạng đã cho ta sức mạnh để đi tới và chiến thắng trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, trong dựng xây cuộc sống mới, con người mới, máu thịt hơn nghĩa Đảng, tình Dân.

Tin tưởng, nỗ lực, phấn đấu làm tốt những việc nhỏ nhất, nỗ lực tạo ra cuộc sống hạnh phúc cho mình, cho người thân yêu, đó chính là Cách mạng.

Với tâm hồn được giải phóng từ Cách mạng Tháng Tám, không ngọn gió nào lung lạc được hồn ta, thay được chí ta, phai nhạt được tình yêu quê hương đất nước, phai nhạt được lý tưởng để vun đắp mãi mãi cho sự nghiệp cao đẹp mà ông cha khai sáng.

Mãi mãi cao xanh trời thu nước Việt. Mãi mãi thắm tươi hồn thu nước Việt với “Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ”.

Với những ai đang ướp tuổi mình vào hương cốm, hẳn thấy cả trời thu như một màu áo mới, tiếng đời nào cũng trong biếc, thiết tha. Với những ai từng chịu nhiều cay đắng trong đời, hãy cầm tay một nhành thơ của Xuân Quỳnh mà yêu hơn nữa mùa thu, yêu hơn nữa câu thơ, ngọn gió:

“Mây trắng bay đi cùng với gió
Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ
Đắng cay gửi lại bao mùa cũ
Thơ viết đôi dòng theo gió xa”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa thu cách mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.