Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mùa thi, nên bổ sung dinh dưỡng cho trẻ như thế nào?

Mộc An| 28/04/2022 09:39

(HNMCT) - Mùa thi đã cận kề, các gia đình đều quan tâm nâng cao sức khỏe cho trẻ, trong đó, việc bảo đảm dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng.

Để đủ năng lượng trong mùa thi, trẻ cần ăn đủ 3 bữa chính với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: Chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất.

Lạm dụng thực phẩm bổ dưỡng

Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là các kỳ thi quan trọng sẽ diễn ra. Lo lắng cho sức khỏe của trẻ, nhất là khi dịch Covid-19 vẫn chưa qua, nhiều phụ huynh tìm mua các loại thực phẩm chức năng để bồi bổ cho con mình. Chị Lê Thị Nhung (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cố gắng đổi món với nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng, nhưng trẻ con giờ học hành vất vả nên cần phải bổ sung thực phẩm chức năng. Bạn bè mách loại nào tốt là tôi mua ngay...”.

Chị Nhung không phải là trường hợp duy nhất chọn thực phẩm chức năng để tăng cường sức khỏe cho con. Chị Nguyễn Anh Thư, chủ cửa hàng thuốc ở phố Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, cứ gần đến kỳ thi là nhu cầu mua thực phẩm chức năng lại tăng. Được mua nhiều nhất là loại giúp nâng sức đề kháng, tăng cường trí nhớ.

Nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngoài việc ép con ăn lượng lớn thức ăn trong ngày với các bữa chính và phụ thì việc chăm chăm bồi bổ cho con bằng “siêu thực phẩm” chứa hàm lượng dinh dưỡng cao có thể gây ra gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Bác sĩ Hoàng Nam Phong, Phó Trưởng khoa Kiểm tra sức khỏe, Bệnh viện E, cho biết: Thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận không ít ca bệnh lạm dụng thực phẩm chức năng dẫn đến tổn thương gan, thận, trong đó có trường hợp nữ sinh 16 tuổi.

Theo lời kể của gia đình, do lo lắng con học hành căng thẳng nên người lớn đã mua một số sản phẩm được quảng cáo là có tác dụng bổ não về cho con uống. Hậu quả là sau khi sử dụng một thời gian, nữ sinh này bị men gan cao, tình trạng vàng da ngày một trầm trọng.

Trong bối cảnh số vụ ngộ độc thực phẩm chức năng liên tiếp xảy ra thời gian qua, các chuyên gia y tế cảnh báo, việc sử dụng thực phẩm chức năng bừa bãi tiềm ẩn nguy cơ gây độc, làm tổn thương gan, thận.

Sử dụng thực phẩm một cách khoa học

Tâm trạng lo lắng, căng thẳng trong mùa thi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của các sĩ tử. Sự căng thẳng quá mức có thể khiến trẻ chán ăn, thiếu năng lượng nên mệt mỏi, kém tập trung. Vậy nên, ở thời điểm này, việc áp dụng một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học đối với học sinh là điều cần thiết.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho rằng, để cơ thể nhận đủ năng lượng thì các em cần ăn đủ 3 bữa chính với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm nhằm cung cấp cả chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, trẻ có thể được bổ sung các bữa phụ bằng các loại thực phẩm lành mạnh như sữa, pho mai, trái cây, bắp, khoai... Cần lưu ý là nước rất tốt cho bộ não. Vì vậy, mỗi ngày, các sĩ tử cần uống 2 lít nước. Ngoài ra, cần dùng thêm những loại rau củ, hoa quả nhiều nước như dưa chuột, dưa hấu, các loại tảo biển.

Chuyên gia cũng khuyến cáo, trẻ không nên bỏ bữa sáng vì cơ thể cần được bổ sung năng lượng sau một đêm dài. Các bậc phụ huynh nên nhắc nhở các sĩ tử duy trì thói quen không ăn quá no ở các bữa ăn chính. Bởi nếu bữa nào các em cũng ăn quá no thì máu sẽ phải tập trung về dạ dày và ruột để tiêu hóa lượng thức ăn thừa, như vậy sẽ làm giảm lượng máu lên não, dẫn tới buồn ngủ, giảm khả năng tập trung khi học.

Tiến sĩ Phan Bích Nga, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng nhi khoa, đưa ra lời khuyên: Thời điểm này, trẻ cần tập trung năng lượng để ôn thi, não tăng công suất hoạt động gấp 3 - 4 lần so với thông thường nên cần được bổ sung dưỡng chất nhiều hơn. Các bậc phụ huynh nên sử dụng muối iốt trong chế biến thực phẩm hằng ngày, bởi việc thiếu iốt sẽ khiến trẻ thụ động, trì trệ, kém sáng tạo. Một nguyên tắc quan trọng là không nên ăn các thức ăn lạ, khó tiêu hóa, dễ gây dị ứng; tránh ăn thức ăn đường phố.

Trong mùa thi, các bậc phụ huynh không những cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng mà còn phải chú ý đến giấc ngủ của trẻ. Tâm lý lo lắng, ngủ không đủ giấc sẽ khiến não rơi vào tình trạng bị kích thích, làm việc kém hiệu quả. Ngoài ra, bên cạnh chế độ ăn ngủ hợp lý, các em cũng cần duy trì hoạt động thể chất xen kẽ như chơi thể thao, tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp... và giải trí lành mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mùa thi, nên bổ sung dinh dưỡng cho trẻ như thế nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.