Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, tính đến hết ngày 17-8, mưa, lũ sau bão số 4 đã làm 6 người chết.
Có 2 người bị mất tích do lũ cuốn trôi (Sơn La 1 người, Nghệ An 1 người). Có 21 ngôi nhà bị sập (Sơn La 1 nhà, Phú Thọ 1 nhà, Thanh Hóa 2 nhà, Nghệ An 17 nhà); ngập 1.199 nhà (Thanh Hóa 15 nhà, Nghệ An 1.184 nhà); di dời khẩn cấp 199 nhà (Sơn La 1 nhà, Nghệ An 198 nhà).
Nghệ An có 7.394 gia súc bị chết, cuốn trôi. Diện tích thủy sản bị ảnh hưởng 723 ha (Sơn La 0,04 ha, Thanh Hóa 126 ha, Nghệ An 597 ha).
Lực lượng công an huyện Con Cuông giúp dân chuyển đến nơi an toàn. (Ảnh: Bá Hậu/TTXVN) |
Các tuyến quốc lộ 6, quốc lộ 43 qua địa phận tỉnh Sơn La, quốc lộ 37 thuộc địa phận tỉnh Yên Bái bị sạt lở ta luy dương gây ách tắc giao thông. Các quốc lộ: 15, 15C, 16, 217, 217B thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa bị ngập 11 vị trí gây ách tắc giao thông. Các tuyến quốc lộ: 7, 15, 16, 48D, 48E thuộc địa phận tỉnh Nghệ An bị ngập 19 vị trí, sạt lở ta luy dương 3 vị trí gây ách tắc giao thông.
Hiện nay, một số tuyến tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An còn bị chia cắt do sạt lở và ngập cục bộ. Chính quyền địa phương đang huy động phương tiện, nhân lực tích cực khắc phục để các phương tiện được lưu thông bình thường.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 1068/CĐ-TTg ngày 16-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 38/CĐ-TW ngày 15-8-2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; các công điện của các bộ, ngành, địa phương về ứng phó với bão số 4 và tập trung huy động lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả do mưa, lũ sau bão gây ra, nhất là tại Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An.
Đồng thời, nỗ lực tìm kiếm người mất tích tại Nghệ An, Sơn La; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; bố trí nơi ở cho các hộ dân bị mất nhà cửa, sinh hoạt cho những hộ dân phải sơ tán và bị cô lập trong đó có một số bản thuộc các huyện: Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An).
Các đơn vị, địa phương tiếp tục kiểm soát chặt chẽ giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường bị ngập sâu; vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi tuân thủ quy trình đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; tuần tra canh gác, kịp thời xử lý giờ đầu các sự cố đê điều.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các huyện miền núi trong tỉnh và các ngành liên quan duy trì trực ban 24/24 giờ, theo dõi sát diễn biến của mưa lũ để có các phương án ứng cứu, phòng chống kịp thời.
Sáng 18-8, lãnh đạo các huyện miền núi tỉnh Nghệ An đã trực tiếp xuống các vùng ngập lụt để chỉ đạo công tác khắc phục, đảm bảo an toàn cho người dân. Công tác di dời, sơ tán dân ở các vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ ngập úng, những nơi có nguy cơ sạt lở đất đá ở ven núi như ở các huyện Kỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Con Cuông, Kỳ Sơn... vẫn đang được thực hiện.
Tại các huyện ven biển trong tỉnh được cảnh báo đề phòng nước biển dâng do lũ thượng nguồn đổ về, gây ngập úng ở vùng trũng. Ngành Giao thông tỉnh Nghệ An và các đơn vị giao thông của Trung ương đóng trên địa bàn tiếp tục rà soát các vị trí ngầm, tràn, tắc đường, ngập lụt để cảnh báo cho người dân biết và khắc phục những vị trí có thể xử lý được ngay, đảm bảo an toàn giao thông và phục vụ công tác ứng cứu người dân của các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương.
Tỉnh Nghệ An yêu cầu Công ty Điện lực Nghệ An đảm bảo cung cấp điện kịp thời cho các trạm bơm vận hành tiêu úng, vận hành hồ đập.
Theo thống kê mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, đến sáng 18-8, mưa lũ đã làm chết 5 người; ngập 1.184 nhà, 2.385 ha lúa, 693 ha ngô và hoa màu, 1.444 ha cây trồng khác, 597 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản; 7.394 con gia súc, gia cầm bị chết; nhiều công trình hạ tầng cơ sở như đường giao thông, cầu, trường học, đê ngăn mặn bị xói lở, sạt lở, hư hỏng…
Trong sáng 18-8, một số bản làng tại Nghệ An vẫn đang bị ngập lụt, chia cắt. Nặng nhất là các bản làng ở các xã Châu Lý (huyện Quỳ Hợp); xã Nghĩa Hưng (huyện Nghĩa Đàn); xã Thạch Ngàn, Mậu Đức, Lạng Khê (huyện Con Cuông); xã Mỹ Lý, Mường Ải, Mường Típ, Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn)…
Quốc lộ 48E đang có 9 vị trí ngập, quốc lộ 48D có 2 vị trí bị ngập, quốc lộ 16 có 3 vị trí sạt lở taluy; đường tỉnh 531B có 7 vị trí bị ngập, đường tỉnh 541 có 1 vị trí bị ngập và 1 vị trí bị sạt lở taluy…
Tại những vị trí ngập lụt, sạt lở đất đá, taluy đang được ngành giao thông cắm biển báo hiệu, rào chắn, trực gác không cho người và phương tiện qua lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.