Cùng với các loại tôm, cá trôi, mè, trắm chép, chiên…, cuối tháng Hai, đầu tháng Ba âm lịch, tiết trời đã ấm mặt sông, những đàn cá mòi lại bơi ngược từ vùng nước lợ ven biển về khúc sông Hồng khu vực Hà Nội để sinh sản.
Đây cũng là mùa vờ rộ nhất trong năm, người dân làng chài Vạn Vỹ thuộc 2 xã Hồng Hà và Trung Châu (huyện Đan Phượng) rộn ràng đón nhận “lộc trời”…
Niềm vui của nghề chài lưới
Một ngày đánh bắt của ông Nguyễn Văn Được ở thôn Vạn Vỹ (xã Trung Châu) thường bắt đầu từ 1h sáng. Trời còn tối đen như mực, ông Được đã dậy đánh răng, rửa mặt, pha ấm trà nóng, nhấp vài ngụm cho tỉnh táo rồi đeo chiếc đèn pin lên đầu, xuống thuyền đi đánh cá. Khúc sông ông Được thả lưới kéo từ làng chài Vạn Vỹ (xã Trung Châu), xuôi xuống gần cầu Thăng Long. Ngày nào cũng vậy, công việc xuyên đêm tới khi trời sáng hẳn ông mới trở về nhà nghỉ ngơi, kết thúc một ngày làm việc.
“Tôi rất thích đánh cá vào ban đêm vì đánh được nhiều tôm, cá hơn. Buổi đêm, trời cũng mát mẻ, làm không thấy mệt. Nhà tôi con cái trưởng thành ra ở riêng, chỉ còn 2 vợ chồng. Tôi đi đánh cá đêm được bao nhiêu, sáng ra bà nhà tôi mang đi chợ bán”, ông Được vui vẻ chia sẻ.
Đã 68 tuổi, ông Nguyễn Văn Được vẫn giữ nghề chài lưới truyền từ đời cha, ông. Nghề gắn với ông như máu thịt. Một mình một thuyền. Cứ quăng lưới rồi bơi thuyền dọc sông, lâu lâu kéo một mẻ. Thành quả thu về của ông Được thường là cá vền, mương, chày, chép, nheo… Song, nhiều nhất những ngày này vẫn là cá mòi.
Cá mòi là cá nước lợ, sống ở các cửa sông, chúng chỉ lên sông Hồng để sinh sản vào mỗi độ cuối xuân, đầu hạ. Cá thường đi theo đàn. Chính vì vậy, trúng mẻ cá mòi thường đầy lưới. “Vào mùa này, mỗi ngày tôi đánh được vài chục cân cá mòi. Có hôm trúng lưới, được ngót tạ cá. Cá mòi trước đây chỉ được coi là loài cá tạp, giá trị thấp nhưng giờ đây, nhiều người đã biết đến hương vị cá mòi nên giá bán cũng cao hơn, từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg. Có bao nhiêu, người dân trong vùng và các nhà hàng đến tận nơi thu mua bấy nhiêu nên thu nhập của dân chài lưới cũng khá hơn”, ông Được nói.
Vờ cũng là một trong những loài đặc sản của sông Hồng, thường chỉ xuất hiện một lần trong năm, từ khoảng tháng Hai đến tháng Tư âm lịch. Thời gian này, nhiều hộ dân làng chài Vạn Vỹ tập trung đi hớt vờ để chế biến thành nhiều món ngon. Vờ là loài côn trùng, sống ở dưới đáy sông Hồng. Vòng đời của chúng vỏn vẹn chỉ qua hai lần lột xác, kéo dài chừng một tiếng. Lần đầu là ấu trùng dưới đáy ngoi lên mặt sông lột xác thành con vờ, bay vật vờ khoảng 15 phút rồi lại tiếp tục lột xác. Lúc đó, vờ nhẹ và bay nhanh, những người dân chài chỉ việc lái thuyền đi dọc con sông, thấy chỗ nào có nhiều vờ bay tà tà trên mặt nước thì vớt nhanh, dứt khoát. Vờ thường xuất hiện khi thời tiết thay đổi, nhiều nhất là lúc nóng ẩm và đổ mưa. Vờ ngon và béo nhất là khoảng tháng Hai, tháng Ba âm lịch.
Anh Nguyễn Văn Thảo - người dân Vạn Vỹ cho biết, muốn bắt được vờ, người làng chài phải canh từ lúc 3h đến 6h sáng, đốt đuốc cho sáng để chúng tụ lại rồi dùng vợt hớt nhanh. Độ này, vờ xuất hiện nhiều. Trung bình mỗi ngày, gia đình vợt được 30-40kg, có hôm được cả tạ. Vờ được chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng như: Vờ chiên lá mắc mật, nộm vờ, vờ xào ngổ, vờ xào rau bí, vờ xào rau muống, chả vờ chiên trứng, lẩu vờ riêu cua, vờ om cá ngạnh, canh chua vờ… Món đặc sản lạ miệng được nhiều người yêu thích nên giá của vờ khá cao, từ 80.000 đến 100.000 đồng/kg.
Ngoài “lộc trời” là vờ, thời điểm này, cá sông cũng khá nhiều, trong đó có cá vền. Anh Nguyễn Văn Thanh - người dân xóm chài Vạn Vỹ cho biết, vợ chồng anh quăng lưới một buổi được cả tạ cá vền. Cá được một số hộ dân trong xóm thu mua, chế biến thành món chả cá vền ngon nổi tiếng, bán ra thị trường. Nhờ “lộc trời” từ mòi, vờ, vền… người dân Vạn Vỹ thêm no đủ nên ai cũng vui…
Là người sinh sống, gắn bó cả đời ở làng, ông Trần Việt Lượng, Trưởng ban Quản lý di tích đình Vạn Vỹ đúc kết, những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản trên sông Hồng rất dồi
dào. Nguyên nhân có thể do những người làm nghề đánh bắt cá ở khu vực này giảm dần. Hơn nữa, khoảng 3 năm gần đây, sông Hồng cũng xuất hiện thủy triều theo chu kỳ. Có nước triều, cá trú ngụ yên tĩnh hơn, mực nước sâu hơn nên việc đánh bắt cũng dễ dàng hơn.
Những tay lưới cừ khôi
Cụ Trần Việt Khắc, một bô lão trong làng cho biết, làng chài Vạn Vỹ an cư, lập nghiệp và sinh sống ổn định ở khúc sông Hồng khu vực 2 xã: Hồng Hà và Trung Châu, tuy thờ chung một đình nhưng địa giới hành chính lại thuộc 2 xã khác nhau, người dân trong làng vẫn giữ mối quan hệ gắn bó khăng khít. Làng chài Vạn Vỹ hiện có khoảng 200 hộ dân với gần 700 nhân khẩu. Trong đó, khoảng 70 hộ giữ nghề đánh cá sông, số hộ còn lại thoát ly, làm nhiều nghề khác nhau như đi tàu sông, bến bãi…
Đến Vạn Vỹ đúng dịp làng tổ chức Lễ cầu ngư (25 tháng Hai âm lịch), từ 8h sáng, những tay lưới trong làng đã mang con cá to nhất, đánh bắt trong 5 ngày gần nhất về đình để dâng cúng thủy thần và phục vụ lễ hội. Trong dịp này, chúng tôi được nghe những tay lưới cừ khôi trong làng chia sẻ về kỹ năng đánh bắt cá trên sông.
Người Vạn Vỹ từ xưa đến nay chỉ đánh cá bằng lưới hoặc cụp (dụng cụ bẫy cá). Ông Nguyễn Văn Được cho biết: "Khi xưa, chúng tôi bơi thuyền bằng tay, giờ đi đánh cá xa, chúng tôi đi thuyền máy. Khúc sông mà dân Vạn Vỹ thường đánh kéo dài từ cầu Vĩnh Thịnh tới cầu Thăng Long, lấy làng chài làm trung tâm. Cá sông đi ăn theo ngày, theo giờ, theo mùa, theo con nước, theo địa điểm và theo đàn. Người làng chài biết rõ về cá sông nên chọn thời điểm đánh bắt hợp lý. Mùa này, cá trắm, chép không nhiều nhưng rất nhiều cá vền, cá mương, cá mòi. Có hôm tôi đánh được 20-30kg cá tạp các loại. Có hôm lại đánh được 5-10kg cá ngạnh. Cá ngạnh sông ngon, ngọt, thịt dai, có giá khoảng 200.000 đồng/kg. Những hôm trúng cá ngạnh tôi kiếm tiền triệu khá dễ dàng”.
Còn ông Nguyễn Văn Sơn "bật mí", người dân làng chài Vạn Vỹ biết nhìn con nước để đi đánh cá. Chọn đánh cá lúc thủy triều lên sẽ không gặp rác, cỏ gà, ni lông… Người Vạn Vỹ nắm bắt được đặc tính từng loài cá, biết được những chỗ nào có nhiều cá. Một kinh nghiệm khác là khi xuống lưới, thấy có hến thì cá chép, trắm, vền sẽ nhiều, vì những loài cá này hay ăn hến. Sờ vào bụng cá tròn căng, loạt xoạt, người thường sẽ nghĩ là cá chửa nhưng chúng tôi làm nghề biết là bụng cá đầy hến...
Hiểu tập tính từng loại cá thì dễ đánh bắt được. Chẳng hạn, cá chiên thường sống nơi có dòng nước chảy xiết. Ở sông Hồng, thi thoảng người dân chài lưới cũng đánh được cá chiên. Còn chạch hay ở đất bùn, bờ kè, trong hang, đến khi kiếm mồi mới ngoi ra. Chạch hay đi ăn lúc sáng sớm hoặc chập tối… Đôi lúc, người dân cũng kéo được cả tôm càng xanh nặng tới 3 lạng mỗi con.
Cá của làng chài Vạn Vỹ thường được các nhà hàng săn đón. Chính vì vậy, khi bắt được cá, người dân làng chài Vạn Vỹ chỉ cần điện thoại là các nhà hàng tới “cân” luôn. Với cá chiên… nặng khoảng 1kg trở lên có giá khoảng 800.000 đồng/kg; nếu trọng lượng nặng hơn có thể bán tới hơn 1 triệu đồng/kg...
Vạn Vỹ hôm nay đổi thay rõ nét khi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ tái định cư, đầu tư cơ sở hạ tầng, tu bổ, cải tạo công trình tâm linh… Vẫn mưu sinh chủ yếu nhờ sông nước nhưng do năng động hơn nên chất lượng đời sống người dân ngày càng nâng cao. Đến nay, cả xã Trung Châu và xã Hồng Hà đều đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Kinh tế phát triển, các xã không còn hộ nghèo. Trong thành tích chung của các địa phương có sự đóng góp từ sự nỗ lực "chuyển mình" của chính người dân làng chài Vạn Vỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.