Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mua láng giềng gần

Trung Hiếu| 19/09/2011 06:41

Quan hệ Iran - Pakistan vừa có bước tiến mới. Chuyến thăm Iran cuối tuần qua của Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani đã thành công ngoài mong đợi cả trên phương diện chính trị cũng như kinh tế.

Kết thúc cuộc hội đàm với Phó Tổng thống thứ nhất Iran Mohammad-Reza Rahimi (12-9), hai bên đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác kinh tế song phương, đẩy nhanh tiến độ trong các dự án chung và tăng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD trong những năm tới. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí làm sâu sắc thêm quan hệ song phương, thảo luận chi tiết về việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, ngân hàng, thương mại, nông nghiệp, giáo dục, dầu mỏ và khí đốt... Trước đó, trong cuộc gặp với Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, hai bên cũng khẳng định sự đoàn kết trong cuộc chiến chống khủng bố…

Trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực Nam Á, Trung Đông, chỉ cần đốm lửa nhỏ có thể bùng phát thành đám cháy mạnh thì bước đi vừa qua của Islamabad và Tehran là nhân tố tích cực, làm dịu sức nóng của khu vực. Bước tiến này hứa hẹn mang lại hiệu quả thiết thực, trước hết cho người dân hai quốc gia láng giềng này. Đó là đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường ống dẫn khí đốt nối Iran với Pakistan trị giá 7,5 tỷ USD và mở rộng các dự án hợp tác trong lĩnh vực chuyển tải điện từ Iran sang Pakistan. Hợp tác chống khủng bố được hai bên cùng quan tâm không chỉ giúp hai nước xích gần lại nhau trong nhiều mục tiêu chung mà còn mang lại cho người dân cảm giác an lành trước những nguy cơ khủng bố đang rình rập. Trong khi đó, dư luận thế giới nhìn nhận, Iran và Pakistan là hai nước thành viên có tầm ảnh hưởng lớn trong thế giới Hồi giáo; sự hợp tác giữa hai nước không chỉ mang lại lợi ích riêng rẽ mà còn có thể đem lại nhiều lợi ích cho các nước Hồi giáo trong khu vực.

Được đánh giá là tích cực trên phương diện song phương nhưng trên phương diện quốc tế, chuyến thăm cấp cao giữa Iran và Pakistan cũng được giới chức phương Tây đặc biệt quan tâm. Trước hết, Pakistan là đồng minh chiến lược của Mỹ trong khi đó, quan hệ Mỹ - Iran chưa bao giờ lặng sóng. Bởi vậy, chuyến thăm vừa qua của ông Y. R. Gilani càng được chú ý hơn khi quan hệ Islamabad - Washington đang gặp nhiều sóng gió. Mỹ đã quyết định đình chỉ một phần ba viện trợ quân sự hàng năm cho Pakistan và những diễn biến sau đó đã không dự báo nồng ấm trở lại trong mối quan hệ với đối tác này. Thêm vào đó, các nhà quan sát cũng cho rằng, công khai thúc đẩy quan hệ với Iran, dường như Pakistan muốn đáp lại chính sách của Mỹ và dùng quan hệ láng giềng gần làm đối trọng cho quan hệ với Mỹ. Do đó, sự lo ngại của Washington trong quan hệ với đồng minh chống khủng bố ở Nam Á là hoàn toàn có cơ sở.

Còn với Iran, tăng cường quan hệ với Pakistan đã mang lại lợi ích kép cho Tehran.

Trước hết, bước đi này sẽ thúc đẩy thêm sự giao thương, phát triển kinh tế với Pakistan; đồng thời làm sâu sắc thêm mối quan hệ chính trị, thu hút thêm sự ủng hộ trong tìm kiếm lời giải bài toán khủng hoảng hạt nhân của Iran. Điều này có thể thấy rõ qua phát biểu của Tổng thống M. Ahmadinejad: "Kẻ thù của hai nước và các quốc gia trong khu vực đang tìm cách thúc đẩy tình trạng mất an ninh và tạo ra các vật cản trên con đường phát triển của khu vực này".

 Dẫu có những bình luận trái chiều quanh chuyến thăm của ông Y. R. Gilani tới Iran nhưng rõ ràng, kết quả chuyến thăm đã thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, mở ra bước hợp tác mới. Sự gắn kết của tình hữu nghị và mối quan hệ láng giềng Pakistan - Iran chắc chắn sẽ là động lực ổn định cho cả khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mua láng giềng gần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.