(HNM) - Những thương vụ ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua với giá 0 đồng đã qua khá lâu, song dư luận vẫn chưa ngớt bình luận. Dư luận tỏ ra lo ngại cho số phận của các ngân hàng, cũng như việc NHNN sẽ phải dùng nguồn tiền từ đâu để
Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN khẳng định, biện pháp mua lại ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng không sử dụng tiền của ngân sách nhà nước, không gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước, NHNN và các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước được chỉ định tham gia quản trị, điều hành...
Các ngân hàng nhà nước không phải gánh chịu các chi phí, tổn thất và không phải cấp vốn khi mua lại ngân hàng thương mại cổ phần.Ảnh: Trần Hải |
Sau Ngân hàng TMCP Xây dựng, "cái giỏ" 0 đồng của NHNN tưởng như đã đóng lại, bởi đây là việc chưa từng có tiền lệ, nhưng tiếp theo sau đó thêm 2 ngân hàng khác cũng bị rơi vào "cái giỏ" này. Sự rung lắc của hệ thống ngân hàng thoạt đầu khiến nhiều người đặt dấu hỏi về "sức khỏe" của nền kinh tế. Song, trên thực tế biện pháp được coi là mạnh tay của NHNN để thanh lọc hệ thống. Bởi, NHNN chỉ can thiệp bắt buộc đối với NHTM yếu kém khi ngân hàng đó không có khả năng tự tái cơ cấu thành công, gây ảnh hưởng lớn đến sự an toàn, ổn định của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
Các ngân hàng này cũng đã được tạo điều kiện để cổ đông khắc phục những tồn tại, hạn chế bằng nguồn lực của mình hoặc huy động nguồn lực từ thị trường, nhưng không thành công. Do đó, ngân hàng bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. NHNN yêu cầu ngân hàng yếu kém thuê kiểm toán độc lập (công ty kiểm toán quốc tế có uy tín) để đánh giá thực trạng tài chính, giá trị thực của vốn điều lệ của ngân hàng. Trường hợp giá trị thực vốn điều lệ của ngân hàng nhỏ hơn hoặc bằng 0 và cổ đông không tăng được vốn theo yêu cầu của NHNN, NHNN sẽ thực hiện mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của ngân hàng với giá 0 đồng/cổ phần, yêu cầu các cổ đông của ngân hàng phải chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho NHNN, chấm dứt quyền, lợi ích và tư cách của các cổ đông hiện hữu. Việc mua lại 3 NHTM với giá 0 đồng vừa qua được thực hiện theo đúng các nguyên tắc trên. Kết quả kiểm toán độc lập đối với 3 ngân hàng này đều có vốn chủ sở hữu âm, vì vậy giá mua toàn bộ cổ phiếu của 3 ngân hàng chỉ ở mức 0 đồng là phù hợp với quy định pháp luật và nguyên tắc thị trường.
NHNN mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng tức là NHNN không phải bỏ tiền mua ngân hàng. Theo quy định của pháp luật, các khoản cho vay đặc biệt đối với ngân hàng này được ưu tiên hoàn trả, do đó thiệt hại kinh tế đối với NHNN hầu như không có. Mặc dù vốn điều lệ của các ngân hàng được mua lại không còn do bị thua lỗ, nhưng với các giải pháp mạnh nhằm tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản và mở rộng hoạt động kinh doanh... vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ từng bước được khôi phục. Cũng cần phải thừa nhận, các ngân hàng được mua lại có nhiều yếu kém, nên để khôi phục cần có nguồn vốn huy động mới từ các kênh khác nhau như huy động tiền gửi của DN, dân cư và tổ chức tín dụng khác để mở rộng hoạt động kinh doanh, tạo lợi nhuận, khắc phục những tổn thất tài chính và số lỗ trước đây. Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) lấy trái phiếu đặc biệt vay tái cấp vốn tại NHNN để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
Nếu NHNN không phải chịu gánh nặng về kinh tế, câu hỏi mà nhiều người quan tâm là những NHTM nhà nước phải hỗ trợ quản trị các ngân hàng này có phải chịu thiệt hại chung với những ngân hàng trong "cái giỏ" 0 đồng của NHNN? Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, các quan hệ kinh tế, tài chính giữa Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VietcomBank) với 3 ngân hàng TMCP bị mua lại là: Xây dựng, Dầu khí Toàn cầu và Đại Dương là quan hệ dân sự bình thường giữa hai pháp nhân độc lập và phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. VietinBank, VietcomBank không phải gánh chịu các chi phí, tổn thất và không phải cấp vốn đối với 3 ngân hàng được mua lại, ngoài việc cử người tham gia quản trị, điều hành tại ngân hàng mua lại. Các khoản hỗ trợ vốn của NHNN cho ngân hàng được mua lại là quan hệ tín dụng và ngân hàng mua lại có nghĩa vụ trả nợ NHNN theo đúng quy định của pháp luật.
Hệ thống ngân hàng đóng vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, vì vậy luôn phải được bảo đảm an toàn. Ngân hàng là tổ chức nhận tiền gửi, cung cấp dịch vụ tài chính đối với DN và dân cư, do đó ngân hàng phải đáp ứng được các chuẩn mực an toàn hoạt động theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện ngân hàng có vấn đề phải xử lý bằng biện pháp thích hợp, kể cả loại bỏ sự tồn tại của ngân hàng đó để không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định, trật tự của hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính. Việt Nam đã từng tiến hành các biện pháp rút giấy phép, thanh lý đối với một số NHTM, nhưng thời gian tiến hành kéo dài, thậm chí có ngân hàng đã kéo dài đến 16 năm nay vẫn chưa hoàn thành như Ngân hàng TMCP Nam Đô, Châu Á Thái Bình Dương, Việt Hoa… Việc mua cổ phần bắt buộc của NHNN áp dụng đối với một số ngân hàng yếu kém trong thời gian qua là biện pháp mạnh nhằm xử lý triệt để những ngân hàng yếu kém và cảnh báo trách nhiệm của các cổ đông, đồng thời răn đe các cổ đông lớn trong việc quản trị, điều hành, giám sát hoạt động của ngân hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.