Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mùa đu đủ ngọt Nam Sơn

Quỳnh Dung| 30/09/2012 07:22

(HNM) - Đến xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn hôm nay nhiều người ngạc nhiên vì sự đổi thay ở vùng đất này. Bên cạnh những cánh đồng lúa vàng trĩu hạt đang vào vụ thu hoạch là những thửa ruộng bậc thang được phủ xanh bởi hàng nghìn cây đu đủ, loại cây đang mang lại sự hồi sinh cho xã vùng xa này.

Từ trung tâm huyện Sóc Sơn, men theo quốc lộ 35 khoảng 12km là tới xã Nam Sơn nhưng người đi dường như cảm giác thấy xa hơn vì đường đất mù bụi. Tuy nhiên, về đến đất Nam Sơn, cái mệt mỏi qua mau bởi không khí yên bình của làng quê. Ông Nguyễn Văn Đông - cán bộ nông nghiệp xã cho hay: Công cuộc thoát nghèo của xã rất gian nan, mặc dù đã tìm nhiều nghề đưa về nhằm nâng cao đời sống nhân dân nhưng đều thất bại. Cách đây khoảng vài năm, khi có dự án bãi chứa rác đưa vào, những tưởng cuộc sống người dân có tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng sẽ đổi thay nhưng cái nghèo vẫn đeo bám bởi nền tảng quan trọng trong mưu sinh của mỗi gia đình là việc làm cho người lao động còn rất thiếu… Đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên rất khó khăn. Nhiều người dân trong xã phải đi nhặt rác để kiếm sống. Toàn xã có khoảng 10% nông dân đi nhặt rác. Dù biết công việc này ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vì kế sinh nhai nên bà con vẫn làm. Trước khó khăn đó, Nam Sơn quyết định đổi đời trên chính đồng đất của mình bằng đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị đất canh tác. Với đặc thù đất đồi gò, ruộng bậc thang chiếm khoảng 50% diện tích đất canh tác, xã đã mạnh dạn đưa cây đu đủ về trồng thử nghiệm trên đất Nam Sơn, bước đầu cho thu hoạch khá, trở thành "cây cứu tinh" thoát nghèo của người dân.

Chị Lê Thị Thúy (thôn Hoa Sơn) tâm sự: Từ khi chuyển sang trồng đu đủ cho thu nhập cao, không chỉ giúp gia đình chị nâng cao đời sống sinh hoạt hằng ngày mà còn xây dựng nhà cửa khang trang và cho con cái học hành. Còn anh Nguyễn Văn Tỵ thì phấn khởi nói lên dự định: "Nam Sơn đất sỏi đá bạc màu, trồng loại cây nào cũng khó, chỉ có cây đu đủ hợp với loại đất này nên sắp tới khi dồn điền đổi thửa xong, tôi sẽ chọn chân ruộng xa nhất, cao nhất để trồng đu đủ".

Hơn cả những lời tâm sự đầy phấn khởi của chị Thúy, anh Tỵ nhìn những vườn đu đủ sai trĩu quả trên vùng đất Nam Sơn gian khó, chúng tôi mừng cho người nông dân nơi đây. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tiến Vận nhìn theo góc độ khác, anh cho rằng, 10 năm trở lại đây, cuộc sống khấm khá, các gia đình đã quan tâm tới việc học hành của con em mình hơn, vì thế tình trạng bỏ học giữa chừng vì sự nghèo không còn, mỗi năm xã có khoảng 30 cháu đỗ vào các trường đại học chính quy. Ngoài chăm lo cho đời sống gia đình, người dân trong xã cũng có điều kiện cùng với chính quyền đóng góp xây dựng đường làng ngõ xóm khang trang. Nếu cách đây khoảng 5-6 năm, toàn bộ đường xã là đường đất, nay đã được bê tông hóa, thuận lợi cho đi lại và phát triển kinh tế của địa phương. Hiện nay, khi đã bớt được nỗi lo cơm áo, gạo tiền thì người dân Nam Sơn vẫn còn nỗi lo môi trường bị ô nhiễm. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tiến Vận cho hay, chủ trương của thành phố đưa bãi rác về xã, hầu hết người dân ủng hộ, nhưng ai cũng mong mỏi dự án sẽ có dây chuyền xử lý rác hiện đại để môi trường trong khu vực được trong lành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa đu đủ ngọt Nam Sơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.