Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mua điện mặt trời, điện gió bị vướng cơ chế giá: Hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư “đắp chiếu”

Ngân Hạ| 08/05/2023 06:40

(HNM) - Từ giữa năm 2020, các dự án điện mặt trời, điện gió đã có giai đoạn phát triển “nóng” theo các chính sách ưu đãi của Chính phủ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều dự án chậm tiến độ nên không kịp phát điện trong thời gian được hưởng chính sách ưu đãi. Trong khi đó, việc đàm phán mua điện với những dự án này gặp vướng về cơ chế. Đến nay, hàng nghìn tỷ đồng tài sản của các dự án này đang nằm “đắp chiếu”, dẫn đến lãng phí lớn.

Khai thác điện tại Nhà máy Điện gió Trung Nam (tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Thanh Hải

Bất cập về cơ chế giá phát điện tạm thời

Tháng 3-2023, 36 nhà đầu tư dự án điện tái tạo đã cùng ký văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về những bất cập trong cơ chế giá phát điện đối với điện gió, điện mặt trời, khiến 34 nhà máy điện đã đầu tư xong không thể bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). 

Theo các nhà đầu tư, 34 dự án (gồm 28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời) có tổng công suất phát điện 2.090,97MW, đã hoàn thành xây dựng nhà máy, vượt qua giai đoạn thử nghiệm, đủ điều kiện phát điện lên lưới, nhưng phải chờ cơ chế giá phát điện - cơ sở để nhà đầu tư và EVN thỏa thuận giá mua bán điện. Tổng vốn đầu tư 34 dự án trên khoảng 85.000 tỷ đồng, trong đó có 58.000 tỷ đồng là vốn vay ngân hàng. 

Vì vậy, các nhà đầu tư dự án đang phải đối mặt với nguy cơ “vỡ” phương án tài chính. Nợ xấu doanh nghiệp gia tăng. Về lâu dài, nếu cơ chế giá bán điện gió, điện mặt trời không đạt hiệu quả sẽ dẫn đến việc dừng hoặc chậm đầu tư các dự án mới. 

Ngày 26-4-2023, EVN đã có Văn bản số 2110/EVN-TTĐ PC về đàm phán dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi Công ty Mua bán điện (EPTC), trong đó có đề cập nội dung xem xét mức giá tạm thời nhỏ hơn hoặc bằng 50% giá trần khung giá phát điện theo Quyết định số 21/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 7-1-2023. Theo các doanh nghiệp, việc mua năng lượng tái tạo với mức giá nêu trên không thể đủ bù đắp chi phí cho các doanh nghiệp sau khi đã dành nguồn vốn rất lớn để xây dựng dự án. 

Đại diện một chủ đầu tư cho biết, tham khảo một dự án điện gió trên bờ điển hình đã vận hành hết năm 2022 với quy mô công suất 50MW, chi phí đầu tư ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng với cấu trúc vốn vay 70% kèm lãi suất hiện tại khoảng 14%/năm, sản lượng trung bình ghi nhận xấp xỉ 140GWh, tương đương hệ số công suất 32%, nếu áp dụng giá tạm đề xuất nêu trên thì doanh thu chưa đạt tới 112 tỷ đồng, chắc chắn không thể đủ dòng tiền chi trả chi phí vận hành tuabin cho nhà cung cấp, khoảng 30 tỷ đồng (50.000 - 100.000 USD/tuabin), và lãi vay phát sinh gần 200 tỷ đồng. 

Như vậy, nếu không có cơ chế hợp lý, chưa tính tới các chi phí vận hành ngoài thiết bị tuabin (như trạm biến áp, móng tuabin…), thì bất kỳ nhà đầu tư nào chấp nhận giá phát tạm chắc chắn sẽ phải chịu lỗ chi phí vận hành khác cũng như chi phí khấu hao, đồng thời bù dòng tiền hao hụt tối thiểu hơn 118 tỷ đồng và không thể trả nợ gốc cho ngân hàng. Do đó, ngày 28-4 vừa qua, 23 nhà đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tiếp tục có văn bản gửi Chính phủ nêu các kiến nghị xin tháo gỡ vướng mắc.

Liên quan đến kiến nghị trước đó, ngày 20-3, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 83/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, giải quyết theo thẩm quyền các vấn đề liên quan đến xử lý chuyển tiếp đối với các dự án điện gió, điện mặt trời. 

Cấp bách đẩy nhanh tiến độ đàm phán

Về kiến nghị của 85 chủ đầu tư dự án điện mặt trời và năng lượng tái tạo không kịp tiến độ, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương Phạm Nguyên Hùng cho hay, các cơ chế ưu đãi trước đây đã được thực hiện trong thời hạn nhất định nên khi hết giá ưu đãi (giá FIT) sẽ phải thực hiện theo cơ chế chuyển tiếp. Các doanh nghiệp vẫn đang được hưởng các chính sách ưu đãi năng lượng tái tạo, như việc vẫn áp dụng thời hạn giá trong 20 năm với điện gió chuyển tiếp. 

Bộ Công Thương đã đề nghị EVN hướng dẫn nhà đầu tư quy trình. Trường hợp tài liệu còn thiếu, sẽ cho phép nhà đầu tư tiếp tục bổ sung. 

Theo thông tin từ phía EVN, tính đến ngày 5-5, có 31 nhà đầu tư đã gửi hồ sơ. Tuy nhiên, phần lớn hồ sơ của các chủ đầu tư đều chưa hoàn thiện, các dự án thiếu hồ sơ theo các cách khác nhau. “Hầu hết các chủ đầu tư đều có khó khăn, vướng mắc liên quan đến các hồ sơ pháp lý về đất đai thực hiện dự án. Tập đoàn cũng như Công ty Mua bán điện luôn hỗ trợ tối đa các chủ đầu tư nhằm hoàn thiện hồ sơ dự án theo đúng quy định; đồng thời, quá trình làm việc, đàm phán giữa bên mua điện và bán điện được diễn ra khẩn trương nhất có thể, sẵn sàng làm việc cả vào ngày nghỉ để đẩy nhanh tiến độ”, đại diện EVN khẳng định.

Để tránh lãng phí nguồn lực xã hội do việc đàm phán có thể kéo dài, các nhà đầu tư đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét, yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, sớm giải quyết những khó khăn bất cập trong cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp và ban hành các quy định hướng dẫn theo thẩm quyền, làm cơ sở pháp lý cho EVN và chủ đầu tư đàm phán.

Các nhà đầu tư cũng mong muốn Bộ Công Thương, EVN cho phép huy động tạm thời phát điện các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành trong thời gian các bên đàm phán theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 83/TB-VPCP.

“Trong thời gian huy động tạm thời, giá điện được áp dụng một trong các phương án: EVN thanh toán cho chủ đầu tư bằng 90% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21/QĐ-BCT trong thời gian từ khi huy động cho đến khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng nếu không hồi tố; hoặc thanh toán bằng 50% giá trần của khung giá kèm hồi tố (sau khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng, EVN sẽ thực hiện thanh toán bằng mức giá đã thống nhất). Trong trường hợp giá thanh toán tạm thấp hơn hoặc bằng 50%, thời gian huy động tạm này không tính vào thời gian 20 năm hợp đồng mua bán điện chính thức sẽ ký giữa EVN và chủ đầu tư”, đại diện một chủ đầu tư kiến nghị...

Thực tế hiện nay đòi hỏi cả bên mua và bên bán cần thảo luận, tìm cách tháo gỡ sớm những vướng mắc về cơ chế giá. Nhà đầu tư có thể cân nhắc giảm lợi nhuận hoặc kéo dài thời gian thu hồi vốn. Nếu không, hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư bị “đắp chiếu” sẽ là sự lãng phí vô cùng lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mua điện mặt trời, điện gió bị vướng cơ chế giá: Hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư “đắp chiếu”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.