Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mùa cưới, tìm đến Trát Cầu

Kim Văn| 15/11/2015 07:14

(HNM) - Mùa cưới bắt đầu, làng Trát Cầu, xã Tiền Phong (Thường Tín), nơi làm chăn ga, gối, đệm nổi tiếng lại trở nên sôi động. Các xưởng sản xuất hoạt động nhộn nhịp ngày đêm, từ chủ cơ sở đến công nhân đều tất bật, đường làng có hàng chục chiếc xe tải lớn nhỏ chờ bốc hàng, dỡ hàng, có lúc gây ùn tắc

Sản xuất chăn ga, gối, đệm ở làng Trát Cầu, xã Tiền Phong (huyện Thường Tín). Ảnh: Thái Hiền



Vốn có nghề truyền thống làm chăn bông, người Trát Cầu trước đây nổi tiếng bởi sự tài hoa, khéo léo. Bây giờ người Trát Cầu lại càng được nhiều người biết đến vì những sản phẩm chăn ga, gối, đệm đẹp mắt không kém hàng ngoại nhập, đáp ứng hầu hết nhu cầu của khách hàng từ dễ tính đến khó tính, từ người nghèo, bình dân đến những người khá giả. Hiện làng Trát Cầu không lo thiếu việc làm, thậm chí vào thời điểm rộ hàng còn phải thuê thêm nhân công từ các địa phương lân cận với mức lương từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Trong bối cảnh nhiều làng nghề đang dần mai một, lao động nông thôn thiếu việc làm…, sự phát triển của Trát Cầu là điểm sáng hiếm hoi, chứng tỏ người dân nơi đây rất năng động, thích ứng với những yêu cầu khắt khe của thị trường. Mặc dù chưa có nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nhưng mấy năm gần đây, sản phẩm làng nghề Trát Cầu vẫn được tiêu thụ mạnh trên khắp cả nước. Với quy mô nhỏ, bộ máy gọn nhẹ, ít lao động gián tiếp, các cơ sở sản xuất ở Trát Cầu làm ra sản phẩm với mức chi phí thấp nhất. Cộng với mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp, chất lượng bảo đảm nên sản phẩm chăn ga, gối, đệm Trát Cầu đang được người tiêu dùng cả nước chấp nhận, chiếm lĩnh được thị trường so với hàng hóa cùng loại của Trung Quốc…

Mặc dù nghề làm chăn, ga, gối, đệm đang từng ngày làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây, song vẫn còn nhiều hạn chế ảnh hưởng khả năng phát triển bền vững của làng nghề. Trước hết là an toàn cháy nổ chưa được các hộ sản xuất quan tâm đúng mức dù hàng hóa đều là sản phẩm dễ bắt lửa. Thực tế ở Trát Cầu từng xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn do chập điện, gây thiệt hại hàng tỷ đồng, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng này. Vấn đề đáng lo ngại nữa là tình trạng ô nhiễm môi trường do lượng rác thải làng nghề lớn và thói quen đốt rác của các hộ sản xuất. Bên cạnh đó là thương hiệu làng nghề hiện chưa được nhiều cơ sở sản xuất chú trọng, đã từng bị tư thương lợi dụng gắn nhãn sản phẩm tùy tiện, vi phạm pháp luật… Để khắc phục những tồn tại trên, Phó Chủ tịch xã Tiền Phong Hồ Văn Thắng cho biết, xã đã quy hoạch xây dựng điểm công nghiệp làng nghề, bước đầu đáp ứng nhu cầu thuê đất mở rộng sản xuất của 89 hộ gia đình. Hiện nay, do còn nhiều hộ có nhu cầu nên xã đang đề nghị huyện Thường Tín cho mở rộng diện tích điểm công nghiệp này. Bên cạnh đó là kiến nghị các cấp, các ngành hỗ trợ địa phương mở rộng bãi chứa, xử lý rác thải làng nghề, đồng thời thành lập các đội dân phòng, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền, kiểm tra hoạt động phòng cháy chữa cháy của các cơ sở sản xuất…

Xác định sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề là thu nhập chính của người dân, xã Tiền Phong cũng đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và Sở Công thương chú trọng công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về nhãn mác hàng hóa, hướng dẫn các cơ sở sản xuất xây dựng thương hiệu, hỗ trợ thủ tục hành chính vay vốn, tiếp cận đất đai mở rộng sản xuất… để nghề truyền thống ngày càng phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mùa cưới, tìm đến Trát Cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.