Đời sống

Mua bán thiết bị công nghệ xâm phạm đời tư: Ngăn chặn bằng cách nào?

Kim Vũ 14/09/2023 - 06:30

Chỉ cần bỏ ra số tiền vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng, bất kỳ ai cũng có thể sở hữu thiết bị nghe lén, quay trộm, trong khi đây là những sản phẩm thuộc diện kinh doanh có điều kiện. Việc các thiết bị công nghệ có khả năng xâm phạm đời tư được mua bán tràn lan không kiểm soát trên mạng xã hội gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc...

nghe-len.jpg
Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng triệt phá đường dây cung cấp thiết bị công nghệ ghi âm, ghi hình không có nguồn gốc, xuất xứ, tháng 6-2023.

Rao bán công khai

Trên các website, mạng xã hội Facebook, Zalo, việc mua bán những thiết bị nghe lén, quay trộm diễn ra công khai, nhộn nhịp. Nhắn tin vào số tài khoản “Thiết bị nghe lén” trên Facebook, phóng viên Báo Hànộimới đặt mua thiết bị nghe và đọc trộm tin nhắn thì được giới thiệu một thiết bị đã được cài đặt sẵn.

Sau 60 phút chíp mã hóa sóng sim và số seri máy điện thoại thì sẽ tự động cài đặt về máy cho khách. Thiết bị này theo dõi qua sóng sim (không cần 3G, 4G hay wifi), chỉ cần đối phương có sóng điện thoại thì có thể theo dõi và định vị được. Các tài khoản Zalo, Facebook… hoạt động trên máy bị cài đặt đều nằm trong phạm vi theo dõi... Sau khi chào hàng, tài khoản trên yêu cầu phóng viên kết bạn với số Zalo 0979174… để gửi thêm hình ảnh. Người bán cũng giới thiệu thêm các thiết bị khác, gồm camera ngụy trang, thiết bị định vị nghe lén và ghi âm, thiết bị định vị, máy ghi âm trên cúc áo, bút bi, mặt dây chuyền...

Chỉ cần tìm kiếm trên Google từ khóa “thiết bị nghe lén”, ngay sau đó, trên các ứng dụng Facebook, Zalo liên tục hiện các tài khoản quảng cáo, bán công khai thiết bị tương tự.

Chị Đinh Bình Minh, phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) cho biết, chị dễ dàng đặt mua thành công thiết bị định vị với giá 850.000 đồng qua quảng cáo trên Facebook của một sàn thương mại. Thiết bị này xác định vị trí, theo dõi mục tiêu từ xa bằng ứng dụng cài trên di động. Thiết bị được gắn sim có data để truyền tín hiệu về người quản lý thông qua phần mềm cài trên điện thoại thông minh.

Anh Trần Đăng Hòa, chủ một cửa hàng sửa chữa điện thoại di động tại quận Hoàng Mai cho hay, nhiều khách hàng mang điện thoại đến kiểm tra vì máy có hiện tượng nhanh hết pin, tốc độ chậm, âm thanh lạ. Kiểm tra thì phát hiện máy của khách bị theo dõi bằng các phần mềm nghe lén. "Nếu thấy máy điện thoại có hiện tượng khác lạ thì khách hàng phải kiểm tra ngay để tránh lộ thông tin cá nhân", anh Hòa khuyến cáo.

Cần tăng cường xử lý

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã xử lý một số vụ việc rao bán thiết bị nghe lén, quay trộm trái pháp luật.

Gần đây nhất, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng triệt phá đường dây cung cấp thiết bị gian lận thi cử trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia vào ngày 26-6-2023. Lực lượng chức năng đã phát hiện đối tượng N.Đ.G (tạm trú tại quận Hà Đông) bán thiết bị camera siêu nhỏ dạng cúc áo, tự động quay, chụp lại hình ảnh đề thi cho nhóm bên ngoài giải đề. Sau đó, những người này đọc đáp án cho thí sinh qua các hạt tai nghe siêu nhỏ, liên kết với sim điện thoại và micro giấu trong quần, áo. Nhóm đối tượng khai nhận đã hoạt động từ năm 2018, bán hàng qua mạng internet.

Tuy nhiên, so với việc mua bán tràn lan các thiết bị xâm phạm đời tư như hiện nay thì số vi phạm được phát hiện chưa nhiều. Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Toàn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo Nghị định số 66/2017/NĐ-CP ngày 19-5-2017 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị, chỉ có 3 nhóm đối tượng được phép kinh doanh là: Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an; cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng; cơ sở kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Nếu bán công khai các thiết bị trên mạng xã hội mà không thuộc 3 nhóm đối tượng trên là trái pháp luật. Còn với người sử dụng thiết bị để nghe trộm, ghi âm, chụp hình mà không có sự đồng ý của người bị quay là vi phạm quy định tại Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2015.

Đầu tháng 9-2023, Bộ Công an cũng có đề xuất mới về dự thảo Thông tư quy định chi tiết Nghị định 66/2017/NĐ-CP. Trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công an cấp huyện, xã xử lý các vụ việc vi phạm có liên quan đến an ninh, trật tự tại cơ sở kinh doanh thiết bị nói trên.

Như vậy, các quy định đều đã rõ. Vi phạm vẫn cứ tồn tại là do công tác kiểm tra, xử lý chưa nghiêm. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn đối với các đơn vị, doanh nghiệp không được phép kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị. Nếu dễ dãi trong công tác quản lý thì e rằng việc sở hữu thiết bị xâm phạm đời tư sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc cho xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mua bán thiết bị công nghệ xâm phạm đời tư: Ngăn chặn bằng cách nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.