(HNMO)- Như Hànộimới Online đã đưa tin, đến thời điểm này, khi dịch bệnh tai xanh trên lợn đã có dấu hiệu chững lại, nhiều tỉnh, thành phố đã qua 21 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh, thì dịch lở mồm long móng trên gia súc lại đang có nguy cơ bùng phát và lây lan mạnh.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện cả nước còn 29 tỉnh, thành có dịch tai xanh trên lợn chưa qua 21 ngày, gồm: Nghệ An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, Đồng Nai, Bình Phước, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Hậu Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bà Rịa- Vũng Tàu, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, Kon Tum, Đắk Nông, Gia Lai, Trà Vinh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên và Sơn La.
Bên cạnh đó, 10 tỉnh có dịch LMLM trên gia súc chưa qua 21 ngày, gồm: Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Phước, Sơn La, Sóc Trăng, Long An, Quảng Ngãi, Bà Rịa- Vũng Tàu và Khánh Hòa. Trong đó có 5 tỉnh hiện đang xảy ra 2 loại dịch: tai xanh trên lợn và lở mồm long móng trên gia súc: Đắk Lắk, Sơn La, Bình Phước, Bà Rịa- Vũng Tàu, Khánh Hòa.
Dịch bệnh trên gia súc thời gian qua đã gây thiệt hại rất lớn về kinh tế đối với người chăn nuôi, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và sức khỏe của nhân dân. Điều đáng nói, thời gần đây, qua báo cáo của cơ quan thú y, một vài ổ dịch bệnh trên gia súc có nguồn gốc từ con giống của các dự án giảm nghèo.
Mới đây, tại 4 xã thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã xảy ra dịch tai xanh trên lợn. Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân dịch bệnh xuất phát từ đàn lợn Móng Cái thuộc dự án 30a nhập từ tỉnh Bắc Giang về các xã trên. Trong số lợn mà dự án nhập về đã có hàng chục con bị chết, hơn 10 con khác đang bị mắc bệnh tai xanh và tiếp tục lây lan sang đàn lợn của các hộ chăn nuôi khác trong vùng.
Trước đó, tại tỉnh Đắk Lắk cũng đã xảy ra dịch LMLM từ đàn bò của Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư, cấp cho nông dân. Kết quả xét nghiệm bệnh phẩm dương tính với vi rút type O…
Cục Thú y đề nghị các tỉnh, thành cần tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ nguồn gốc của con giống gia súc, gia cầm, trong đó không thể lơ là trước các con giống từ các dự án giảm nghèo. Trên thực tế, không phải chỉ có năm nay, mà tình trạng con giống gia súc mang mầm bệnh được các dự án nhập về địa phương đã từng xảy ra trong những năm trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.