(HNM) - Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) đề ra chủ trương đổi mới, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp chuyển sang cơ chế tự hạch toán trong sản xuất kinh doanh đã mở cánh cửa phát triển cho báo chí.
Giai đoạn này, số lượng nhật báo trên cả nước có thể đếm trên đầu ngón tay, đa phần là tuần báo. Dù không khí đổi mới bao trùm xã hội nhưng để báo chí tự “lột xác” là không dễ dàng vì lãnh đạo nhiều báo vốn đã quen với dạng bài phản ánh, ngợi ca; còn phóng viên thì quen kiểu viết cho cơ sở và cấp trên đọc. Điều đáng nói là Tổng Biên tập nhiều tờ báo còn tâm lý e dè nên có ý nghe ngóng hoặc chỉ cho đăng nhỏ giọt những bài có hơi hướng đổi mới. Trong bối cảnh báo chí cả nước như vậy nhưng Báo Hànộimới cùng một số báo khác đã mạnh dạn thay đổi nội dung, có các bài viết chống tiêu cực - đề tài trước đó thường được cho là nhạy cảm.
Đổi mới đầu tiên là báo ra ấn phẩm phụ: Hànộimới Chủ nhật, tuy “phụ” nhưng lại là “chính” vì Hànộimới Chủ nhật làm tăng thêm thu nhập cho cán bộ, phóng viên, nhân viên trong cơ quan. Song hơn cả chuyện tiền bạc, chính ấn phẩm này đã đăng nhiều bài viết có nội dung khác với những bài trong các số báo hằng ngày, trở thành nơi thể hiện đổi mới nội dung phản ánh của báo.
Những bài viết Tâm lý gà công nghiệp, Cô hàng xén của TS Đức Uy đăng trên Hànộimới Chủ nhật đã gây tiếng vang trong bạn đọc. Trong bài Tâm lý gà công nghiệp, TS Đức Uy nhận định: Suốt một thời kỳ dài, các xí nghiệp, nhà máy chỉ làm mỗi một việc là sản xuất theo chỉ tiêu được giao còn nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm đã có nhà nước lo. Nhà nước cũng nhận trách nhiệm lớn lao bao cấp lương thực, thực phẩm cho người dân, bán với giá rẻ như cho không. Tác giả so sánh hai việc đó giống như nuôi gà công nghiệp. Và khi cửa chuồng mở toang thì những con gà công nghiệp quen được bao cấp này ngơ ngác, đi lại loanh quanh, không thể tự kiếm ăn, vì thế muốn thoát khỏi tâm lý này thì từ cán bộ đến người dân phải tự lo cho chính mình, không nên trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mới có thể thực hiện được đổi mới. Bằng lập luận, phân tích có tính khoa học, bài báo đưa ra quan điểm và tư tưởng rất mới, khác với những bài báo phản ánh quen thuộc trước đó.
Không chỉ các bài viết của TS Đức Uy, nhiều bài viết của phóng viên Mai Thục, Nguyễn Triều, Trần Chiến... cũng gây ấn tượng mạnh đối với bạn đọc. Và Hànộimới Chủ nhật là tờ báo bán chạy nhất trên địa bàn Hà Nội vào thời điểm đó. Tuy nhiên, một tờ báo muốn đổi mới trước hết nhận thức của Ban Biên tập phải thay đổi. Và rất may Ban Biên tập Hànộimới khi đó đã đồng lòng đổi mới. Phó Tổng Biên tập, nhà báo kỳ cựu Dương Linh trực tiếp phụ trách Hànộimới Chủ nhật là người dám cho đăng và dám chịu trách nhiệm. Người chịu trách nhiệm cuối cùng là Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn cũng rất đồng lòng nên mỗi số báo đều có những bài viết rất sâu và thực sự đổi mới. Cùng với các bài viết đó, đề tài và nội dung trên Hànộimới rất phong phú cũng chính là sự đổi mới trong quan điểm làm báo của Ban Biên tập.
Những bước đi ban đầu trong rừng dần dần mở ra đường. Các số báo ra hằng ngày cũng có nhiều bài viết gây được sự quan tâm của bạn đọc. Hai bài viết Đường dây 500 kV vô hình và Kính chuyển bên A của Nguyễn Triều đã được bạn đọc quan tâm, các đơn vị thi công công trình đọc không sót một chữ và những số báo này còn nằm trên bàn làm việc của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Một đường dây tải điện đang thi công sao lại gọi là đường dây vô hình? Bằng ngôn ngữ báo chí giàu tính văn chương, Nguyễn Triều muốn ám chỉ còn một đường dây khác đó là sự đóng góp của người dân. Còn bài Kính chuyển bên A là lời cảnh báo về tình trạng lãng phí trong quá trình thi công. Rồi mọi chuyện cũng “êm” sau một thời gian “sóng gió”. Dĩ nhiên bài viết là của Nguyễn Triều nhưng nếu Trưởng ban Kinh tế Vương Thức không có tinh thần đổi mới và Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn không gật đầu thì bài viết của Nguyễn Triều chắc không thể đến được với bạn đọc.
Nếu giai đoạn đầu, quan điểm đổi mới của Hànộimới chủ yếu đăng những bài viết lý luận tầm vĩ mô thì giai đoạn hai, Hànộimới tập trung nhiều vào đề tài chống tiêu cực qua những vụ việc tày đình cụ thể. Đó là loạt bài phanh phui tiêu cực của ngành Hàng không khi một số cán bộ đã ăn phết phẩy khi mua 2 chiếc Focker, loại máy bay chở khách hạng nhỏ. Để giữ bí mật, trước khi chuyển bài đi nhà in, nhóm phóng viên Nguyễn Triều, Nguyễn Ngọc Tiến và Đoàn Anh Tuấn mới nộp bài để Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn duyệt. Tổng Biên tập đọc rất kỹ, chữa lại những câu mà ông cho là viết chưa kín kẽ. Lần nào duyệt xong ông cũng căn dặn: “Kinh nghiệm chống tiêu cực cho thấy các cậu đừng tung hết tài liệu ra. Giữ lại để đề phòng khi bị phản đòn và nhớ có phương án nếu cơ sở kiện cáo”.
Nói như vậy chứng tỏ ông rất tin vào tài liệu và tin vào phóng viên chấp bút. Đơn vị bị “đánh” chả bao giờ nhận mình sai, họ dựa vào các mối quan hệ, luôn tìm mọi cách thoát tội và luôn đổ cho báo viết sai. Vụ này Hànộimới bị ngành Hàng không kiện lên cơ quan quản lý báo chí là Bộ Văn hóa, riêng Nguyễn Triều bị Bộ Công an mời lên hỏi ai cung cấp tài liệu đóng dấu mật.
Điều đáng nói là Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn kiên quyết bảo vệ phóng viên, bảo vệ lẽ phải. Sau một thời gian dài mệt mỏi nhưng mọi chuyện cũng qua vì báo không sai. Lúc đó Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn bảo: “Thôi từ nay chả dính vào chống tiêu cực nữa, đau đầu lắm các cậu ạ”. Nói thế nhưng sau đó ông lại cho đăng bài viết về vụ tiêu cực của ngành Chè...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.